Đã có ý kiến trả lời chất vấn cho rằng để xử lý tiếng ồn trong khu dân cư hiện nay rất khó bởi ngoài quy định pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ còn là vấn đề về thiết bị để kiểm tra, đo độ ồn và thiếu nhân sự. Nói tóm lại là… khó trị.
Còn nhớ, trước khi ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đã có nhiều người lo lắng, cho rằng việc quy định xử phạt như "bắt cóc bỏ đĩa", lấy đâu ra lực lượng để xử lý hết người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia lái xe trên đường…
Thế nhưng, sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, sự quyết tâm ra quân của các ngành chức năng, xử lý mạnh tay người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia đã kéo giảm tai nạn giao thông trên tất cả các tiêu chí, tiền nộp phạt hành chính thu về cho ngân sách tăng cao, đặc biệt được đa số người dân ủng hộ.
Lùi về những năm 1990, khi Chính phủ chính thức nghiêm cấm việc đốt pháo, cũng đã có ý kiến phản đối. Thế nhưng, qua thời gian thực hiện và thực thi luật pháp, người dân đã hiểu việc đốt pháo không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nhiều vụ tai nạn chết người, thương tật vĩnh viễn.
Mới đây, Đà Nẵng kiên quyết xử lý tiếng ồn từ loa kẹo kéo di động. Để có cơ sở xử phạt, lực lượng cảnh sát môi trường phối hợp cùng đơn vị đo đạc được nhà nước công nhận đến hiện trường đo độ ồn bằng thiết bị chuyên dụng; cho các hàng quán làm cam kết không sử dụng loa kẹo kéo gây ồn ào từ 22 giờ đêm. Đã có hàng trăm người sử dụng loa kẹo kéo gây ồn bị xử phạt thẳng tay…
Ai cũng thấy tiếng ồn từ hát karaoke và từ các thùng loa kẹo kéo di động đã quá sức chịu đựng, gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi cho người xung quanh. Đã đến lúc phải có những quy định của pháp luật phân định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương cũng như của những người có trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn. Thậm chí mạnh dạn quy định hễ có phản ánh về tiếng ồn, bắt quả tang đang thực hiện hành vi thì xử phạt ngay, không cần đo tiếng ồn. Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện tuyên truyền pháp luật để người dân biết và tuân thủ. Ngoài ra, tăng cường lực lượng kiêm nhiệm để kiểm tra, xử lý tiếng ồn; tăng trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban ngành, chính quyền địa phương nơi để xảy ra tình trạng tiếng ồn "tra tấn" người dân.
Những quy định của pháp luật phù hợp thực tiễn và lòng dân, chắc chắn sẽ được đa số người ủng hộ cũng như sẽ dễ dàng thực thi trong cuộc sống.
Bình luận (0)