xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bán hàng xuyên biên giới còn nhiều rào cản

Bài và ảnh: Lê Tỉnh

Bán hàng xuyên biên giới thông qua các nền tảng thương mại điện tử phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhãn mác, thương hiệu, quảng cáo đúng thực tế...

Ngày 24-5, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã phối hợp Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội nghị "TMĐT xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu" tại TP HCM.

Thiếu kỹ năng bán hàng

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho biết với mức doanh thu TMĐT toàn cầu hiện lên tới 7.400 tỉ USD, Việt Nam có nhiều cơ hội bán hàng xuyên biên giới qua kênh TMĐT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn chưa thể khai thác và tận dụng tối đa, lâu dài phương thức xuất khẩu này.

Doanh nghiệp kết nối, tìm hiểu bán hàng trên Amazon tại hội nghị ngày 24-5

Doanh nghiệp kết nối, tìm hiểu bán hàng trên Amazon tại hội nghị ngày 24-5

Theo bà Huyền, nguyên nhân chính là do DN còn thiếu kỹ năng bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế, thiếu thông tin thị trường và quy định pháp lý tại nước sở tại. Đặc biệt, nhiều DN chưa có kiến thức, kỹ năng xây dựng chiến lược kinh doanh, bảo vệ thương hiệu của mình trên các sàn TMĐT thế giới.

"Để giải quyết những rào cản đó, DN cần phải cập nhật liên tục những xu hướng bán hàng xuyên biên giới trên sàn TMĐT, tập trung phân tích lợi thế và khó khăn, học tập các DN đi trước...

Đồng thời, phát huy thế mạnh của các sản phẩm Việt nhưng cũng phải đổi mới, sáng tạo để đáp ứng thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

 Chúng tôi đang xây dựng các chính sách tăng cường liên kết ngành, vùng, nội vùng và ngoại vùng nhằm giúp DN tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực chuyển đổi số, logistics và thanh toán trên TMĐT, giúp cho hàng Việt cất cánh trên thị trường thế giới" - bà Huyền nói.

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CVI Pharma - một DN bán dược phẩm trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, chỉ ra một thực tế là nhiều DN quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam rất thiếu và yếu kinh nghiệm kinh doanh quốc tế.

Chẳng hạn, DN muốn bán hàng xuyên biên giới nhưng không thể xác định sản phẩm của mình phù hợp thị trường mục tiêu nào. Hoặc DN chưa nắm rõ luật pháp, quy định sản phẩm như chứng nhận, quy chuẩn, giấy phép cho sản phẩm tại nước sở tại ra sao khiến họ gặp khó, thậm chí từ bỏ "giấc mơ" bán hàng ra nước ngoài.

Ông dẫn chứng thị trường Mỹ, mặc dù nước này đã mở cửa cho DN Việt đưa hàng vào nhưng chính quyền sở tại thường xuyên hậu kiểm. Nếu hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn, thủ tục… của Mỹ, DN chắc chắn sẽ gặp rắc rối pháp lý.

Vì vậy, DN bán hàng xuyên biên giới phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhãn mác, thương hiệu, quảng cáo đúng thực tế, xây dựng lộ trình phát triển bài bản và đặc biệt là phải am hiểu pháp lý tại nước muốn kinh doanh.

Phải liên kết, hợp tác

Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá các DN Việt dù có năng lực sản xuất nhưng chưa biết cách xây dựng thương hiệu trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, chỉ sử dụng logo nhận diện thương hiệu rồi thôi.

 "Nhiều DN đã xác định được cách làm thương hiệu nhưng khi bước ra các thị trường như Mỹ và châu Âu, họ lúng túng, không biết làm sao tận dụng công cụ quảng bá của sàn TMĐT hoặc xây dựng chương trình khuyến mãi, kế hoạch tìm hiểu nhu cầu thị trường thực sự bài bản và dài hạn" - ông Gijae Seong nói.

Để khắc phục những điểm yếu đó, ông Gijae Seong gợi ý các DN Việt có thể sử dụng Amazon hoặc những nền tảng cung cấp dữ liệu thị trường khác để hiểu được người tiêu dùng quốc tế cần gì từ đó đáp ứng hiệu quả.

Thay vì lấy chính sản phẩm đang bán tại thị trường Việt đem bán trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, DN phải nhanh nhạy thay đổi theo nhu cầu thị trường khi có phản hồi từ khách hàng.

Các DN cũng phải nghiêm túc đầu tư, sử dụng các công nghệ bảo vệ thương hiệu và chiến lược gia tăng thương hiệu trên quốc tế nhằm tăng tính cạnh tranh với các DN của quốc gia khác.

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), góp ý để thúc đẩy sản phẩm Việt trong đó có ngành gỗ vươn tầm thế giới thông qua TMĐT, các DN cần phải nâng cao năng lực vận hành, từ khâu sản xuất, bán hàng, chăm sóc khách hàng… Đặc biệt, các DN phải liên kết chặt chẽ, hợp tác với nhau để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng xuyên biên giới để tránh lặp lại những sai lầm của DN đi trước. 

Doanh số tăng gấp 10 lần

Theo ông Gijae Seong, trong 5 năm qua, số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên sàn Amazon đã tăng hơn 300%. Bên cạnh đó, số lượng đối tác năm 2023 đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên sàn tăng vọt gấp 10 lần so với năm 2019; các đối tác bán hàng Việt tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon cũng tăng gấp 35 lần. Trong giai đoạn 2022-2026, Amazon đặt mục tiêu cán mốc 10.000 DN Việt tham gia bán hàng trên sàn.

Trong 5 năm qua, các sản phẩm sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp liên tục nằm trong tốp các ngành hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trên Amazon. Bên cạnh đó, những sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên như trà thảo mộc, cà phê, trái cây sấy khô dùng cho tiêu dùng, ăn uống hoặc những mặt hàng được chiết xuất từ nghệ, nha đam, bột cà phê dùng cho chăm sóc răng, da... cũng là những mặt hàng bán chạy không kém của Việt Nam, nhờ giải quyết được vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng. Chẳng hạn như thương hiệu mỹ phẩm Abera tiết lộ đã đạt doanh thu triệu USD mỗi năm dù tham gia bán hàng trên Amazon chưa lâu. Hiện tại, dư địa của 2 ngành này vẫn còn rất lớn để tăng trưởng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo