Nhà văn Bích Ngân sáng tác kịch bản "San hô đỏ" cách đây hơn 10 năm, tác phẩm thấm đẫm lòng biết ơn đối với những chiến sĩ nhà giàn đã hy sinh trong cơn bão số 10 năm 1990
Đã 34 năm trôi qua, cơn bão dữ quét ngang thềm lục địa phía Nam trong đêm 4-12-1990 làm sập nhà giàn DK1/3, cướp đi sinh mạng 3 đồng đội thân yêu vẫn còn in đậm trong lòng những chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Thổi bùng ngọn lửa tự hào
Nhà giàn DK1/3 nằm đúng tâm bão số 10 năm 1990 quét qua. Những con sóng cao cả chục mét cuộn lên từ lòng biển rồi vỗ mạnh vào khiến nhà giàn chao đảo...
Nhà văn Bích Ngân xúc động cho biết kịch bản "San hô đỏ" mà bà viết cách đây hơn 10 năm là câu chuyện bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ ý chí phi thường, dũng cảm của các chiến sĩ nhà giàn. Kịch bản này đã được tác giả trẻ Phạm Văn Đằng chuyển thể thành vở diễn cải lương "San hô đỏ" hết sức mượt mà, sâu lắng.
"Các anh đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi. Vùng biển DK1 được xem như một nghĩa trang đặc biệt. Nghĩa trang ấy không có phần mộ như ở đất liền. Mộ của các anh là những con sóng bạc đầu, là nhành san hô đỏ hòa vào lòng đại dương. Tôi càng khâm phục hơn tinh thần của người lính biển đảo, của chiến sĩ các nhà giàn của đất nước ta khi họ là những người lính chưa bao giờ gác súng" - tác giả Phạm Văn Đằng bộc bạch.
Để thổi lên ngọn lửa tự hào trong lòng công chúng, từng câu ca, lời thoại trong "San hô đỏ" được tác giả chăm chút. Vở diễn quanh câu chuyện 3 chiến sĩ đã hy sinh như một bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định dấu mốc chủ quyền trên thềm lục địa của Tổ quốc.
Cho đất nước độc lập trường tồn
NSND Trần Ngọc Giàu đã dàn dựng "San hô đỏ" đan xen giữa việc phục hiện quá khứ và hiện tại. Câu chuyện về 3 chiến sĩ như những lát cắt mang nhiều thông điệp.
Nhà văn Bích Ngân đã đặt ra "bài toán khó" để NSND Trần Ngọc Giàu và ê-kíp thực hiện vở diễn phải sáng tạo, đau đáu tìm kiếm chất liệu nhằm thể hiện thông điệp tự hào về các chiến sĩ nhà giàn anh dũng. Không gian câu chuyện diễn ra trên nhà giàn được thể hiện sinh động, ấn tượng.
Những cảnh phục hiện, hồi ức dưới lòng biển sâu, khi các chiến sĩ nhìn về mái ấm gia đình mình, quan sát đồng đội đang ngày đêm giữ gìn biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc rất xúc động. Âm nhạc, cảnh trí, ánh sáng và hiệu ứng màn ảnh Gauze cũng giúp vở diễn toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh về lòng yêu nước.
Vở cải lương "San hô đỏ" quy tụ dàn diễn viên hùng hậu: NSND Mỹ Hằng, NSƯT Minh Hoàng, NSƯT Võ Thành Phê, nghệ sĩ Kim Luận, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Thanh Toàn… NSND Mỹ Hằng tâm sự: "Kịch bản đã cho tôi một niềm kiêu hãnh khi ca ngợi các chiến sĩ nhà giàn, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước trong mỗi trái tim nghệ sĩ. Đây còn là tác phẩm "Học tập và làm theo tấm gương, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh" mà Nhà hát Trần Hữu Trang nỗ lực thể hiện".
Theo NSƯT Võ Thành Phê, trong "San hô đỏ", cảm động nhất là câu chuyện về trung úy Nguyễn Hữu Quảng. Trước khi bị sóng cuốn đi, anh đã nhường áo phao cùng miếng lương khô cho đồng đội. Tấm gương hy sinh của các anh đã được thể hiện trên sân khấu cải lương bằng tất cả lòng tôn kính.
Qua "San hô đỏ", khán giả cũng sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của chiến sĩ bảo vệ biển đảo, nhà giàn. Khó thể nói hết được những gian khó của họ trong một kịch bản văn học. Song, khi xem "San hô đỏ", khán giả sẽ cảm nhận được sự cống hiến và hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống cho đất nước độc lập trường tồn.
Nhà hát Trần Hữu Trang đã biểu diễn phúc khảo "San hô đỏ", nhận được ý kiến khen ngợi của Hội đồng Nghệ thuật - Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM. Vở này sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc tại TP Cần Thơ từ ngày 25-10 đến 12-11.
Bình luận (0)