Đến nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vẫn đề xuất 2 phương án giải quyết chế độ BHXH. Do chưa biết phương án nào sẽ được chọn nên để không bị thiệt thòi, không ít người lao động (NLĐ) quyết định xin nghỉ việc rút BHXH một lần, gây xáo trộn lao động trong doanh nghiệp (DN). Đây là phản ánh của một số DN tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với Dự án Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi), do Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM tổ chức ngày 11-5.
Chờ hưu quá lâu
Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay có rất ít NLĐ trên 50 tuổi còn làm việc ở DN. Nguyên nhân là ở độ tuổi này, họ không đủ sức khỏe làm việc nên chọn giải pháp về quê sinh sống hoặc rút chân khỏi thị trường lao động. Trước nay, NLĐ luôn xem BHXH là khoản để dành, khi không còn làm việc nữa thì có thể sử dụng làm vốn sinh nhai. Vì vậy, họ sẽ chọn rút BHXH một lần khi nghỉ việc.
Theo ông Cường, một thực tế khác là nhiều người gia nhập thị trường lao động từ rất sớm (18 tuổi), tham gia BHXH liên tục một thời gian dài, cảm thấy thời gian chờ đủ tuổi nghỉ hưu quá lâu (60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam) nhưng lương hưu thấp nên quyết định rút BHXH một lần.
"Do mức đóng BHXH thấp nên khi nghỉ hưu, NLĐ chỉ được nhận lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng. Thực tế này cùng với đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 xuống còn 15 năm không chỉ khiến người lớn tuổi mà lao động trẻ cũng quyết định nghỉ để rút BHXH, tránh tác động của Luật BHXH mới. Sau đó, họ quay lại đóng BHXH, vừa bỏ được thời gian đóng thấp vừa có thể đóng đủ số năm để hưởng lương hưu" - ông Cường giải thích.
Để tránh gây xáo trộn lao động tại DN, ông Cường đề xuất chọn phương án 1 - vẫn giải quyết chế độ BHXH một lần cho NLĐ tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Đồng thời, điều chỉnh cách tính lương hưu theo 2 giai đoạn: NLĐ tham gia BHXH trước năm 2014 thì chỉ tính mức đóng bình quân của 20 năm cuối; người tham gia sau năm 2014 thì tính theo mức đóng bình quân cả quá trình.
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần cải thiện chế độ hưu trí theo hướng rút ngắn thời gian chờ đợi của NLĐ. Theo đó, xem xét cho NLĐ có thời gian đóng BHXH vượt số năm quy định để hưởng tỉ lệ hưu tối đa (nam đóng 35 năm, nữ đóng 30 năm) được nghỉ hưu trước quy định 5 năm, không bị trừ % khi nghỉ hưu trước tuổi.
Cải thiện chế độ ốm đau, thai sản
Từng trải qua 2 lần sinh con, bà Nguyễn Ngọc Thùy Hương, Trưởng Phòng Nhân sự - Công ty CP Nước Hoàng Minh (quận Tân Bình, TP HCM), nhận xét quy định lao động nữ được nghỉ việc hưởng BHXH để đi khám thai 5 lần trong thời kỳ mang thai là chưa phù hợp thực tế. Bình quân, mỗi tháng NLĐ mang thai phải đi khám 1 lần, do vậy cần tăng thời gian nghỉ để khám thai là 8-9 ngày.
Bà Hương cũng chỉ ra một bất cập khác: Theo Luật Trẻ em, trẻ em là những người dưới 16 tuổi; trong khi Luật BHXH hiện hành chỉ cho NLĐ hưởng chế độ khi chăm con dưới 7 tuổi bị bệnh. "Vậy khi trẻ từ 7-16 tuổi bị bệnh, ai sẽ là người chăm sóc? Đây là điều bất cập cần điều chỉnh, cho phép NLĐ được nghỉ hưởng chế độ BHXH khi chăm con dưới 16 tuổi bị bệnh" - bà đề xuất.
Liên quan các nội dung sửa đổi về chế độ ốm đau, nhiều ý kiến cho rằng mức hưởng BHXH của NLĐ mắc bệnh dài ngày đang giảm. Cụ thể, theo quy định hiện hành, NLĐ nghỉ việc vì mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày (do Bộ Y tế ban hành) thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày, tỉ lệ hưởng 75% mức tiền lương đóng BHXH. Hết thời hạn này mà vẫn tiếp tục điều trị thì NLĐ được hưởng tiếp chế độ ốm đau nhưng với mức thấp hơn.
Tuy nhiên, theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tùy số năm đóng BHXH, NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường khi ốm đau sẽ hưởng (mức 75%) từ 30-60 ngày; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành) hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40-70 ngày. Hết thời hạn này mà vẫn tiếp tục điều trị, NLĐ được chi trả bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên; 55% nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 50% nếu đã đóng dưới 15 năm.
Nhiều cán bộ Công đoàn nhìn nhận ốm đau là điều không ai mong muốn và khi không thể đi làm thời gian dài, NLĐ sẽ rất khó khăn. Nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra khi NLĐ mắc bệnh dài ngày, chưa kết thúc liệu trình điều trị mà phải đi làm sớm. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên mức hưởng đối với NLĐ bị ốm đau dài ngày như quy định hiện nay.
Không được thanh toán lại
Đại diện Công ty TNHH Gain Việt Nam (quận Bình Tân) cho hay hiện nay, tình hình sản xuất khó khăn đã dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại một số DN. Trong thời gian nợ này, nếu phát sinh trường hợp NLĐ ốm đau, sinh con… thì có nơi DN chi trả cho họ các khoản chi phí thay cho chế độ BHXH, BHYT, song cũng có nơi NLĐ phải tự chi trả.
Tuy nhiên, sau đó, khi DN khắc phục được nợ BHXH thì khoản chi phí mà NLĐ và DN đã bỏ ra không được cơ quan BHXH thanh toán lại. Điều này là chưa thỏa đáng, gây thiệt thòi cho cả NLĐ lẫn DN, do đó cần xem xét lại.
Bình luận (0)