Phiên thảo luận với chủ đề "Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí" do nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, điều phối. Phiên thảo luận có sự tham gia của các diễn giả, khách mời: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long Lê Thanh Tuấn; Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga; Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân; Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn; Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng.
Tìm thấy cơ hội trong khó khăn
Tại phiên thảo luận, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã chia sẻ một số giải pháp để đơn vị vượt qua khó khăn, đảm bảo tài chính để duy trì bộ máy. Theo ông, hiện nay đa số các cơ quan báo chí đều đối mặt với thực tế là "khó khăn chồng lên khó khăn". Việc của các cơ quan báo chí là "phải tìm thấy cơ hội trong khó khăn, thách thức này".
"Tôi nghĩ rằng không có câu chuyện chung nào cũng như giải pháp chung nào cho tất cả các cơ quan báo chí. Mỗi cách làm, mỗi suy nghĩ khi áp dụng vào thực tế cần linh hoạt, uyển chuyển. Mục đích là đảm bảo được nội dung thông tin chuẩn chỉnh, đúng quy định nhưng đồng thời cũng đảm bảo được tài chính cho cơ quan" - ông Tô Đình Tuân nói.
Trong giai đoạn khó khăn, Báo Người Lao Động xác định rõ tiêu chí hoạt động, đó là "Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn". Trong thời gian qua, Báo Người Lao Động kiên trì theo đuổi tiêu chí này.
"Nhờ vậy mà Báo Người Lao Động đã tạo ra được uy tín và tình cảm xã hội. Sau thời gian hoạt động với tiêu chí này, nhiều đơn vị đã chủ động tìm đến và hợp tác với Báo Người Lao Động" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân nhấn mạnh.
Ông Tô Đình Tuân cũng cho biết Báo Người Lao Động đã thực hiện nhiều chương trình để phục vụ cộng đồng. Điển hình như chương trình ATM thực phẩm miễn phí, Tình thương cho em..., qua đó tạo được tình cảm trong lòng bạn đọc, người dân và doanh nghiệp.
Báo Người Lao Động cũng tăng cường các hoạt động sau mặt báo. Theo ông Tô Đình Tuân, sau khoảng 5 năm Báo Người Lao Động đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, sự kiện với tinh thần "vừa làm vừa học" thì đến nay, đội ngũ của đơn vị tuy không quá hùng hậu nhưng khá chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện.
Một trong những giải pháp đa dạng hóa nguồn thu mà Báo Người Lao Động thực hiện thời gian qua là tổ chức thu phí bạn đọc qua chuyên mục Dành cho bạn đọc VIP.
"Với chuyên mục Dành cho bạn đọc VIP, Báo Người Lao Động xác định không bán tin tức mà bán những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao và có đời sống lâu dài. Đến nay, cổng thu phí bạn đọc có khoảng hơn 30.000 tài khoản đăng ký, có 260 sản phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi đánh giá rằng đây chỉ mới là bước đi đầu tiên, chưa phải là quá thành công. Thành công của chúng tôi đó là đã dám làm với một mong ước nâng cao giá trị của nền báo chí Cách mạng Việt Nam" - ông Tô Đình Tuân chia sẻ.
Theo ông Tô Đình Tuân, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các cơ quan báo chí cần phải gắn bó, hỗ trợ, chia sẻ với nhau. Thay vì là đối thủ cạnh tranh thì trở thành đối tác, bạn bè, anh em với nhau. Ông Tô Đình Tuân cho biết chiều 14-3 vừa qua, Báo Người Lao Động, Báo VietNamNet và Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ký kết hợp tác. Đây là lần đầu tiên có một tờ báo của bộ ký kết với 2 tờ báo ở 2 đầu đất nước. Sự kiện diễn ra trong không khí rất vui, ấm áp.
Ông Tô Đình Tuân cũng hy vọng việc ký kết hợp tác giữa 3 tờ báo sẽ truyền cảm hứng cho tất cả các cơ quan báo chí để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đầu tư vào công nghệ
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn cho biết để ứng phó với các khó khăn, sụt giảm doanh thu, đơn vị buộc phải đầu tư vào công nghệ; thay đổi tư duy, thói quen làm báo; đa dạng hóa nguồn thu.
Báo Tuổi Trẻ chia khách hàng làm 3 nhóm: bạn đọc hằng ngày; doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Từ đó, báo có bước chăm sóc, quan tâm thích đáng đối với từng nhóm khách hàng, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua báo điện tử.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, Báo Tuổi Trẻ thực hiện các chiến dịch truyền thông, giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình tiếp cận đúng với các nhóm khách hàng mà họ mong muốn. Còn đối với nhóm khách hàng là cơ quan quản lý nhà nước, Báo Tuổi trẻ cố gắng chuyển tải thông tin về các chủ trương, quy định, chính sách để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận hơn.
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, đã chỉ ra 2 nguồn thu đặc thù của báo chí Việt Nam. Cụ thể là từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản và từ truyền thông chính sách theo đặt hàng của cơ quan nhà nước.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, nguồn thu từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản có xu hướng giảm do yêu cầu tự chủ đối với cơ quan báo chí là đơn vị nhà nước. Nếu lệ thuộc, có thể mất động lực đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, kinh doanh báo chí.
Trong khi đó, với nguồn thu từ truyền thông chính sách theo đặt hàng của cơ quan nhà nước, qua khảo sát cho thấy 34 cơ quan báo chí có doanh thu từ đặt hàng truyền thông chính sách chiếm trên 15% tổng doanh thu. Theo ông, đây là xu hướng mới, dần thay thế nguồn thu từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản.
Để phát triển kinh tế báo chí ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng cần miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí. Đơn giản hóa thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách. Tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Quang Đồng, cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò "cầu nối" của Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội; tập trung ngân sách cho một số cơ quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực...
Bình luận (0)