Các đợt tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thường khiến dư luận "dậy sóng" bởi nhu cầu dùng điện ngày càng tăng trong khi giá điện ngày càng đắt và tăng cấp theo bậc thang.
Trên thực tế, với đặc trưng kinh tế - kỹ thuật của ngành điện, việc sản xuất và cung ứng điện giá rẻ vào thời điểm phụ tải tăng cao là bất khả thi trong tình hình hiện nay.
Một phần đáng kể lượng điện năng vẫn được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được như than, dầu, khí... Giờ cao điểm với phụ tải tăng mạnh cũng chính là lúc hệ thống phải huy động các nguồn phát chi phí cao để đáp ứng nhu cầu. Do đó, sử dụng điện ít mới có giá rẻ.
Tuy nhiên, điện là hàng hóa cực kỳ thiết yếu với đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Với tính chất nhạy cảm như vậy, không thể chậm trễ hơn nữa trong việc tìm phương án cải cách giá điện theo hướng hiệu quả, hài hòa lợi ích và bảo đảm khoa học.
Nội dung được quan tâm nhất hiện nay là cải cách biểu giá điện. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã áp dụng biểu giá điện sinh hoạt bậc thang như Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy đây là giải pháp khá phù hợp. Với Việt Nam, trước mắt cũng chưa thể xóa bỏ cách tính giá điện theo bậc thang song cần tính toán số bậc phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng điện trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh.
Về lâu dài, áp dụng giá điện 2 thành phần - gồm công suất đăng ký và điện năng tiêu thụ - như chủ trương mà Bộ Công Thương giao EVN nghiên cứu mới đây có thể là bước tiến phù hợp. Theo đó, khách hàng dùng điện nếu gây ảnh hưởng tới hệ thống nhiều hơn, chẳng hạn sử dụng nhiều điện năng trong thời gian ngắn hoặc tập trung vào giờ cao điểm, sẽ phải trả chi phí cao hơn. Lúc này, có thể có giá điện rẻ khi dùng nhiều và bảo đảm công bằng khi ngành điện thu hồi được chi phí đầu tư từ đúng địa chỉ.
Cũng với mục tiêu bảo đảm công bằng, cần có phương án xóa bỏ bù chéo giá điện và hợp lý hóa các khoản hỗ trợ an sinh xã hội. Trước mắt, khi chưa có phương án mới, các khoản hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp tục được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể. Sau đó, cần nghiên cứu lộ trình tiến tới ngân sách nhà nước chi cho các khoản này hoặc sử dụng từ các nguồn tài chính khác phù hợp quy định.
Để bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu kinh tế với an sinh xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành điện vẫn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", có sự méo mó. Việc thu hút đầu tư vào ngành này vì thế gặp khó khăn, nền kinh tế đối diện với nguy cơ thiếu điện. Nhưng nếu tăng giá điện sẽ không tránh khỏi tác động đến đời sống của người dân và làm giảm động lực của nhiều ngành sản xuất.
Lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực, cụ thể là sửa đổi Luật Điện lực, phải tháo cho được nút thắt khiến việc điều hành giá điện khó có lối ra như hiện nay. Trong đó, việc đưa bán lẻ điện về gần với giá thành cần được thực hiện song song với cơ chế giá điện công bằng.
Bình luận (0)