Điều này cho thấy sự quan tâm của nhân dân với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn, phù hợp hoàn toàn với Nghị quyết 12 (2023) của Tỉnh ủy về phát triển văn hóa con người một cách toàn diện.
Chiều ngày 26-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã quyết định giữ lại công trình biệt thự "nhà lầu ông Phủ" để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc. Tôi nghĩ rằng đây là chủ trương rất đúng đắn và cần thiết, một chủ trương để xử lý mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế văn hóa - xã hội trên địa bàn, mà nhà cổ Võ Hà Thanh là một trường hợp điển hình. Chúng ta bảo tồn không chỉ những di tích đã được nhà nước xếp hạng, mà quan trọng là bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể tiêu biểu có giá trị đặc trưng về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Nhà cổ Võ Hà Thanh có đủ những giá trị như vậy.
Đứng về góc độ lịch sử, ngôi nhà này đã xây dựng 100 năm. Về góc độ văn hóa, kiến trúc nghệ thuật kiểu phương Tây đầu thế kỷ 20 với quy mô khá lớn. Cách bày trí thiết kế trong ngôi nhà cho thấy sự khéo léo kết hợp nghệ thuật kiến trúc phương Tây với truyền thống bố trí nội thất và không gian tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của Việt Nam; thể hiện một phần nhân sinh quan của chủ nhân ngôi nhà. Ngôi nhà là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa là một thực thể văn hóa, một địa điểm nghiên cứu để hiểu hơn về không gian sống, lịch sử văn hóa của Biên Hòa xưa.
Bảo tồn như thế nào (nắn lại con đường hay dùng kỹ thuật xây dựng dịch chuyển nhà về phía sau) là trách nhiệm của đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án đường ven sông, nhưng trước hết là giữ nguyên hiện trạng ngôi nhà, là điều tốt. Vấn đề khác là thỏa thuận và bố trí cho gia đình đang giữ ngôi nhà có điều kiện an cư tại nơi ở mới. Mặt khác, phải tạo hệ thống kết nối từ đường ven sông đến những đường đối nội trong khu vực để có thế đến ngôi nhà thuận tiện nhất, tạo sự kết nối giữa nhà cổ với những di tích trong khu vực như Văn miếu Trấn Biên, khu du lịch Bửu Long, chùa Bửu Phong, Miếu Tiên sư, bến Văn Thánh… và cả nghĩa trang dòng họ Hà (trên đường vào Văn miếu Trấn Biên) mà trong đó nhiều ngôi mộ có kiến trúc đá (Bửu Long) chạm khắc tinh xảo.
Vấn đề cuối cùng là công tác quản lý, tiến hành bảo quản, trùng tu ngôi nhà và sử dụng nó vào những hoạt động mang tính nghệ thuật, văn hóa, lịch sử cho phù hợp với "di tích" và không gian văn hóa du lịch ở Biên Hòa, cần có sự tham mưu của các ngành chức năng, nhất là ngành văn hóa.
Bình luận (0)