Ông Nguyễn Ngô, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa, mới đây đã nêu tình trạng các dự án trên núi ở TP Nha Trang dù chưa có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nhưng đã có quy hoạch chi tiết 1/500.
Núi nào cũng có
Cụ thể, khu vực núi Cô Tiên có gần 20 dự án được thỏa thuận địa điểm hoặc được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Phần lớn các dự án có mục tiêu làm nhà ở, phân lô bán nền, có những dự án quy mô chỉ 2-3 ha nhưng vẫn được cấp phép. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã tiến hành san ủi bạt núi, chặt cây làm dự án…
Vụ sạt lở vào cuối năm 2018 tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú thuộc núi Cô Tiên, TP Nha Trang khiến 4 người chết
Các núi khác tại TP Nha Trang đa số đều có dự án như: khu vực núi Giáng Hương có 6 dự án; núi ở khu vực Hòn Rớ (xã Phước Đồng) có 13 dự án; núi Chụt (Vĩnh Trường) có 8 dự án, núi Hòn Thị có 7 dự án… "Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 chưa được phê duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa có nhưng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từng dự án; diện tích cây xanh giảm xuống, nguy cơ sạt lở cao… thì hướng xử lý sẽ như thế nào?" - ông Nguyễn Ngô đặt vấn đề.
Phía Nam TP Nha Trang, từ năm 2018, UBND tỉnh cũng đồng ý chủ trương lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu vực núi Cù Hin với diện tích khoảng 4.000 ha, trong đó có 3.000 ha rừng đặc dụng. Trong khi theo quyết định của Thủ tướng và mới đây là chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết 71 ngày 8-8-2017 của Chính phủ có quy định: Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, đặc biệt là đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất của UBND tỉnh liệu có trái quy định các văn bản nêu trên hay không? Có nhất thiết phải đánh đổi diện tích xanh, nền địa chất ổn định ở đây để phát triển du lịch hay không, trong khi tỉnh vẫn còn những khu vực khác có thể phát triển?
Có chệch choạc, sai sót
Ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết khu vực núi Cô Tiên rộng gần 2.000 ha. Từ nhiệm kỳ 2005 đến nay đã có thỏa thuận phương án kiến trúc, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với một số dự án ở khu vực này. Hiện sở đang rà soát toàn bộ dự án ở núi này theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh. Các dự án tại phần rìa núi Cô Tiên ở độ cao dưới 60 m trở xuống hầu hết phù hợp Quy hoạch chung số 1396 năm 2012. Có những phần không phù hợp quy hoạch chung nên UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh những biện pháp xử lý xem cho tồn tại tiếp tục hay hủy dự án.
"Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện chỉ đạo này. Đúng thật là núi Cô Tiên chưa có quy hoạch. Hiện tại, chúng tôi rà soát tất cả dự án trên núi ở TP Nha Trang, có khoảng 67 dự án và chuẩn bị báo cáo UBND tỉnh xử lý vấn đề này" - ông Dẽ nói. Tuy nhiên, lý giải vì sao không có quy hoạch mà vẫn chấp nhận thỏa thuận dự án, phê duyệt dự án 1/500, ông Dẽ cho biết có nhiều dự án hình thành ở nhiệm kỳ trước, thời điểm đó luật không quy định phải có quy hoạch 1/2.000 trước mà thỏa thuận dự án xong nghiên cứu tiếp. Trong 30 dự án khu vực núi Cô Tiên có 12 dự án phù hợp 50% hoặc 100%.
Trong khi đó, theo ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, về quy hoạch đất, toàn bộ núi Cô Tiên có khu vực ghi là đất đồi núi, đất rừng sản xuất, có khu vực ghi là đất rừng phòng hộ. Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư xin vào nhưng tỉnh không có ngân sách làm quy hoạch 1/2.000 nên cho doanh nghiệp tự lập 1/500 rồi khớp nối lại.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, lý giải: Do những năm trước, khi tỉnh còn khó khăn, có nhà đầu tư đến ai cũng phấn khởi. Khi đó, nhà đầu tư đề xuất thì tỉnh sẽ xem xét. Tuy nhiên, do quy hoạch chưa kịp thời, đầy đủ nên có chệch choạc, sai sót vì vậy việc phát triển dự án chưa phù hợp. "UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên ngành cùng TP Nha Trang tiến hành rà soát, từ đó xử lý, chấn chỉnh để bảo đảm quy hoạch phù hợp, phát triển bền vững và công bố các loại quy hoạch theo đúng quy định pháp luật" - ông Vinh khẳng định.
Vụ sạt núi làm 4 người chết vẫn chưa có kết quả điều tra
Liên quan đến dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú thuộc núi Cô Tiên gây sạt lở khiến 4 người chết vào cuối năm 2018, ông Lê Văn Dẽ cho biết đến nay Cơ quan CSĐT vẫn chưa có kết luận liên quan đến vụ sạt lở gây chết người tại dự án này. Vì vậy, hiện trường nơi sạt lở vẫn phải giữ nguyên. Điều này khiến nhiều người lo ngại mùa mưa sắp đến, lượng đất đá ở khu vực sạt lở nếu không được xử lý, có thể tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư.
Bình luận (0)