Như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ tháng 10-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi 62,3 ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang để giao Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (một phần diện tích sân bay Nha Trang cũ) gồm phân khu 2A, 2 và 3.
Xây 3 năm chỉ đạt 15%
Tháng 2-2018, UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh, giao số diện tích nói trên để Công ty Phúc Sơn quản lý, thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang theo thỏa thuận tại hợp đồng BT, gồm: nút giao thông Ngọc Hội với tổng trị giá sử dụng đất tạm tính là 1.215 tỉ đồng; dự án BT Đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, tổng trị giá đất tạm tính khoảng 1.099 tỉ đồng; dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, trị giá sử dụng đất tạm tính gần 950 tỉ đồng. Cả 3 dự án BT đều không qua đấu giá mà được chỉ định thầu giao cho Công ty Phúc Sơn.
Dự án cầu vượt nút giao thông Ngọc Hội, TP Nha Trang dùng để đổi “đất vàng” sân bay Nha Trang đang ì ạch
Hiện nay, cả 3 dự án BT này đều đang "đứng bánh", không thể triển khai đúng tiến độ. Tại đường 23 Tháng 10 giao với đường sắt, nút giao thông Ngọc Hội chỉ mới xây dựng được một nhánh đường, trong khi cần đến 4 nhánh kết nối thành 1 vòng xoay vượt qua đường sắt. Các dự án còn lại cũng chỉ triển khai nham nhở.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa (đơn vị thay mặt UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang), cho biết hiện khối lượng công trình mới đạt khoảng 15% sản lượng xây lắp và khoảng 20%-30% nguồn vốn. Lý do vì mặt bằng thi công chưa được phía Trường Sĩ quan Không quân (Bộ Quốc phòng) bàn giao.
Trong khi đó, ông Đặng Hữu Tài, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (đơn vị thay mặt UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý dự án BT nút giao thông Ngọc Hội và dự án Đường vành đai 2), cũng cho biết dự án đang chậm tiến độ vì vướng giải phóng mặt bằng. "Việc nút giao Ngọc Hội không thể hoàn thành đúng tiến độ đang gây áp lực giao thông rất lớn cho đường 23 Tháng 10, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra" - ông Tài thông tin.
Xin gia hạn thêm 18 tháng
Ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sơn, cho rằng hiện nay tiến độ các dự án BT đã đến thời điểm bàn giao nhưng không có mặt bằng sạch để thi công nên doanh nghiệp dự định xin gia hạn thêm 18 tháng. Việc chậm tiến độ không phải lỗi của nhà đầu tư mà do UBND tỉnh Khánh Hòa không giao mặt bằng để thi công.
Theo Công ty Phúc Sơn, hiện số tiền mà phía chủ đầu tư bỏ ra cho 3 dự BT này khoảng 1.400 tỉ đồng, còn tiền đối ứng 2 dự án xây dựng khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang chủ đầu tư bỏ ra cũng trên 1.400 tỉ đồng nhưng đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất ở sân bay Nha Trang cũ vẫn chưa hoàn thành. Do vậy, chủ đầu tư không thể nghiệm thu, thanh toán, thu hồi vốn đầu tư cũng như hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Công ty Phúc Sơn đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xem xét chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất tính toán bổ sung chi phí lãi vay ngân hàng vào tổng mức đầu tư theo đúng quy định hiện hành đối với giá trị còn lại các hợp đồng BT. Đồng thời, đẩy nhanh việc phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất tại khu vực sân bay Nha Trang. Ông Phạm Ngọc Cương cho rằng để thực hiện dự án này, phía công ty phải vay ngân hàng để thực hiện, nếu tiếp tục kéo dài các dự án mà không tính toán giá đất để bàn giao, nhà đầu tư sẽ không bảo đảm phương án tài chính.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng quỹ đất 62,3 ha ở sân bay Nha Trang dùng để thanh toán cho 3 dự án BT nêu trên đã được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê đất, giao đất từ năm 2016. Mặt khác, Thông tư 183 của Bộ Tài chính đã quy định khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT chấm dứt kể từ ngày UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất.
Do vậy, việc xem xét bổ sung chi phí lãi vay đối với các dự án BT theo kiến nghị của nhà đầu tư là chưa phù hợp với quy định hiện hành và thỏa thuận tại các hợp đồng dự án. Riêng việc xác định giá đất chưa thể thực hiện vì dự án này đang được Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành xem xét; ngay khi có kết luận sẽ xác định giá đất để thanh toán các dự án BT.
Tự ý phân lô bán đất dự án?
Hiện có nhiều thông tin cho thấy sau khi được giao 62,3 ha đất tại sân bay Nha Trang cũ và cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Phúc Sơn đã phân lô bán nền khi chưa đủ pháp lý với giá từ vài chục đến vài trăm triệu một mét vuông. Vì vụ việc này, Công ty Phúc Sơn đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính kinh doanh bất động sản mà không bảo đảm các điều kiện đối với dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang với số tiền 275 triệu đồng.
Trao đổi về việc này, ông Cương khẳng định không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất sân bay mà chỉ là sự tự nguyện góp vốn của nhà đầu tư. "Người ta mong muốn góp vốn vì nhìn thấy dự án có đầy đủ pháp lý nên chúng tôi để họ tham gia" - ông Cương lý giải.
Bình luận (0)