Đường Lê Văn Lương kéo dài - Ảnh: Ngọc Thắng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Ngô Văn Khánh vừa ký văn bản công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng- chuyển giao), BOT (xây dựng-kinh doanh- chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó tập trung vào 7 dự án lĩnh vực giao thông, môi trường. Trong đó có 6 dự án BT trong chương trình đổi đất lấy hạ tầng của TP Hà Nội xuất hiện một loạt các sai phạm gây thất thoát vốn. Cụ thể tập trung vào các dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; dự án Đầu tư xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài; dự án Đầu tư xây dựng đường trục Nam tỉnh Hà Tây; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương; dự án Đầu tư xây dựng đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; dự án Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa phận Hà Nội.
TTCP đánh giá bên cạnh các mặt đạt được, thì các dự án BT, BOT trên địa bàn TP Hà Nội đã bộc lộ không ít hạn chế yếu kém từ cơ quan nhà nước là UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2008 - 2012, UBND TP Hà Nội chưa thực hiện đúng việc lập, phê duyệt, công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà nhà đầu tư (không đủ số lượng nhà đầu tư tham gia để thực hiện lựa chọn) để thực hiện chủ trương đầu tư làm giảm hiệu quả đầu tư.
Từ đó, các thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư không được công bố rộng rãi, dẫn đến hạn chế số lượng nhà đầu tư, giảm tính minh bạch và cạnh tranh công bằng. TTCP cho biết, tại thời điểm thanh tra có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có 1 dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.
Cho rằng các dự án chỉ định thầu đều có lý do chung là cấp bách, cấp thiết (14/15 dự án là chỉ định thầu) song UBND TP Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu để chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết.
Nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được lựa chọn để thực hiện dự án lại có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực như Công ty cổ phần Tasco đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương; dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) làm chủ đầu tư...
TTCP kết luận hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ so với yêu cầu và nguyên nhân được xác định là chủ đầu tư không đủ năng lực huy động vốn, bố trí vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án của nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo giải ngân theo tiến độ cam kết. UBND TP Hà Nội đã thực hiện không đúng quy trình lựa chọn cũng như đánh giá năng lực của nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án.
Thậm chí, theo kết luận của TTCP, tại một số dự án BT có hiện tượng cơ quan chức năng TP Hà Nội thẩm định, phê duyệt "vội vàng" dự toán đầu tư dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, tại dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do tính toán áp dụng đơn giá không chính xác đã làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỉ đồng; tại nút giao thông Long Biên tăng giá trị lên tới hơn 60 tỉ đồng, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An đội vốn 27,9 tỉ đồng.
Tiếp đó, sau khi ký kết các hợp đồng, UBND TP Hà Nội và cơ quan chức năng đã thiếu sự chặt chẽ trong việc giám sát. Hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ không đảm bảo mục tiêu cấp bách như yêu cầu đặt ra cho dự án, đồng thời làm phát sinh nhiều chi phí trong đầu tư.
Cụ thể tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư được khởi công khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có kết quả thẩm tra, phê duyệt về thiết kế cơ sở và công nghệ của Bộ Xây dựng, Sở TN-MT.
Điều đáng nói, do chậm tiến độ, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đã phát sinh khoản chi phí lên tới 11,5 triệu USD. Cùng với đó nhà đầu tư đã tự triển khai hạng mục về nạo vét không có bất cứ sự tham gia nào của cơ quan chức năng nhưng sau đó vẫn đề nghị quyết toán khoản tiền lên tới gần 10 triệu USD.
Còn tại dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ do Cienco 5 làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở, dẫn đến việc xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai…
Trước hàng loạt sai phạm, vi phạm trong các dự án BT, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để ban hành văn bản về cơ chế quản lý, giám sát đối với các dự án BT; xử lý về kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng, gần 38 triệu USD.
"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội căn cứ vào kết quả thanh tra, thực hiện việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư; đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các đơn vị cấp dưới triển khai, thực hiện hợp đồng BT và các dự án đối ứng..."- kết luận của TTCP nêu rõ.
Kiến nghị thu hồi tiền của doanh nghiệp
TTCP còn kiến nghị xử lý Bộ Kế hoạch và Đầu tư do chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội - Hưng Yên.
Liên quan đến ngân sách nhà nước, TTCP yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào ngân sách nhà nước 1.428 tỉ đồng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ. Trong đó, 902 tỉ đồng chi phí lãi vay và 510 tỉ đồng tiền chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.
Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương cần tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỉ đồng do áp sai suất vốn đầu tư. Dự án này còn 37 tỉ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm cần rà soát xác định lại để khi thanh toán hợp đồng BT chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, các cá nhân liên quan sẽ bị xử lý trách nhiệm khi để thất thoát ngân sách nhà nước 15 tỉ đồng lãi vay ngân hàng do chậm thanh toán.
TTCP cũng yêu cầu khi quyết toán dự án BT phải giảm trừ các khoản đội vốn. Cụ thể, kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD (30 tỷ đồng) đối với phát sinh lãi vay sau ngày 8-11-2012 tại dự án Nhà máy nước thải Yên Sở. Giảm trừ khi quyết toán hơn 612 ngàn USD (14 tỉ đồng) do tính toán trùng lắp các hạng mục đầu tư dự án này và giảm trừ chi phí bồi thường đất trùng lắp 64 ngàn USD (1,5 tỉ đồng).
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Nam Từ Liêm và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỉ đồng.
Với dự án bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, số tiền cần giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư là 12 tỉ đồng và loại khỏi thanh toán 6,2 tỉ đồng do sai phạm về khi phê duyệt thiết kế.
Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên cần giảm trừ 10,5 tỉ đồng và tính toán lại gần 4 tỉ đồng do chênh lệch giá các nguyên vật liệu. Số tiền trả lãi vay ngân hàng 15 tỉ đồng, TTCP yêu cầu không tính vào giá trị quyết toán công trình.
Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên được yêu cầu giảm trừ 34 tỉ đồng vốn sai quy định.
Bình luận (0)