Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), cho biết sau khi ăn thuốc giảm cân của chị gái, trẻ nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng.
Gia đình cho trẻ vào bệnh viện ở tỉnh Hà Nam cấp cứu và được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ đã rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, thuốc nhuận tràng, bù nước điện giải... Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, loại thuốc giảm cân mà bệnh nhi ăn nhầm được chị gái mua về sử dụng không rõ thành phần, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ. Người chị gái đã mua tổng số 14 viên thuốc này để giảm cân.
Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận, điều trị một bệnh nhi 13 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột.
Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm có ý tưởng tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc. Sản phẩm được đặt mua trên trang thương mại điện tử. Sau uống, trẻ nôn nhiều, chóng mặt và được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân. Kết quả xét nghiệm độc chất, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột Natri Fluoroacetat.
Sau gần 3 tuần điều trị tích cực, trẻ ổn định, hết nôn và được xuất viện.
Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, loại thuốc chuột gây ngộ độc cho trẻ đã bị cấm lưu hành nhiều năm trước, nhưng hiện được mua bán dễ dàng. Khi ăn hay uống phải, người bệnh có thể co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan… dẫn đến tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn…
Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp trẻ vị thành niên ngộ độc thuốc diệt chuột có chủ đích do trẻ có ý định tự tử.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc, hóa chất độc hại, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Khi đi cần mang theo vỏ hoặc chai thuốc, hóa chất mà trẻ ăn uống nhầm để các bác sĩ biết nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.
Bình luận (0)