Sáng 13-6, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 (Hà Nội) tổ chức lễ ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, đồng thời phát động đăng ký hiến mô, tạng, giác mạc.
Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" vừa qua.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định hiến giác mạc là một hành động cao cả, mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người không may mất đi thị lực. Hiện cả nước đang có hàng ngàn người bệnh chờ đợi cơ hội được nhìn thấy ánh sáng trở lại, trong đó có không ít trẻ em.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, chuyên khoa mắt có 10 đơn vị có ngân hàng mô/giác mạc trên cả nước. Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y tế cho phép thực hiện tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và tiến tới điều phối mô, giác mạc.
"Bộ Y tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác vận động hiến tặng mô, tạng và giác mạc. Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều người sẵn sàng hiến tặng mô, tạng, giác mạc, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh và mang lại hy vọng cho những bệnh nhân đang chờ đợi" - Thứ trưởng Thuấn nói.
Đánh giá cao việc bệnh viện đã xây dựng, phát triển lĩnh vực ghép giác mạc, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết phẫu thuật ghép giác mạc ở nước ta đã đạt trình độ tiên tiến, nhưng số lượng hiến giác mạc chỉ đáp ứng rất nhỏ so với nhu cầu được ghép giác mạc.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc là gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng. Vì vậy, việc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 ra mắt Ngân hàng mô và Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng số giác mạc được hiến, cứu chữa người bệnh giác mạc, giúp nhiều người tìm được ánh sáng.
Theo Bộ Y tế, trong 16 năm qua, cả nước có trên 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc nói riêng, trong đó 963 người hiến giác mạc sau khi qua đời, đến từ 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng này, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống bình thường. Hiện nay, nước ta có gần 1 triệu người mù, trong đó có hơn 300.000 người mù cần được ghép giác mạc.
Nhiều người đăng ký hiến mô tạng sau nghĩa cử của bé Hải An
Buổi lễ có sự xuất hiện của chị Nguyễn Trần Thùy Dương - mẹ của bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi (ở Hà Nội), qua đời năm 2018 vì bệnh ung thư và đã hiến giác mạc.
Chị Dương chia sẻ: "Con gái tôi, bé Hải An, đã ra đi 6 năm. Trước khi mất, tâm nguyện của Hải An là hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những bệnh nhân đang cần, đang chờ được cấy ghép. Nhờ nguyện ước của con, hai người mù đã tìm thấy ánh sáng, đồng thời, bản thân tôi cũng đã tìm thấy món quà con để lại chính là được gặp lại con theo một cách đặc biệt nhất. Điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi từ trong nỗi đau đến niềm hạnh phúc, khiến tôi tin rằng con vẫn đang ở bên mình và cảm nhận được sự sống hồi sinh nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi đau để chấp nhận cho đi".
Sau khi bé Hải An qua đời và hiến tặng giác mạc, nghĩa cử ấy đã làm lay động trái tim nhiều người và chỉ trong vòng hai tháng đã có khoảng 2.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời. Đây là một "kỷ lục" về số người đăng ký tình nguyện hiến tặng mô, tạng trong thời gian ngắn.
Tại buổi lễ, chị Dương cũng bày tỏ mong muốn "để cái chết không còn vô nghĩa, mọi người hãy tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi"".
Bình luận (0)