Tàu 571 của Vùng 4 Hải quân hú ba hồi còi dài rồi từ từ rời cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), đưa 230 thành viên trong Đoàn đại biểu số 3 (gồm Ngân hàng Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cùng một số cơ quan, đơn vị) ra thăm và tặng quà cho quân, dân ở Trường Sa, nhà giàn DK1. Hàng trăm cánh tay thủy thủ tàu 571 và đoàn công tác vẫy chào tạm biệt đất liền.
Tất cả chúng tôi cảm nhận về cuộc hải trình gian khổ nhưng vô cùng kiêu hãnh được ra Trường Sa thân yêu.
Ông Đặng Đình Công - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro - bảo: "Lần đầu tiên ra thăm Trường Sa cảm giác thật khó tả. Tôi cũng đã trải qua đời lính nên đến Trường Sa cứ ngỡ như đến ngôi nhà chung của Tổ quốc, đến với với đồng đội thân thương ruột thịt nơi đầu sóng ngọn gió".
Anh Phạm Văn Ưng, đến từ Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), tự hào khi được bước lên con tàu hải quân to lớn, kiêu hãnh rẽ sóng vượt đại dương. "Khi nhận được thông báo đi Trường Sa, vì mừng quá nên nhiều đêm tôi không ngủ được. Tôi đã đến nhiều vùng miền của đất nước nhưng chưa lần nào lại xúc động như lần này. Đời người được đến mảnh đất máu thịt của Tổ quốc là mãn nguyện lắm!" - anh Ưng bộc bạch.
Còn ông Đặng Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, giãi bày: "Đây là lần thứ hai tôi đến Trường Sa. Cảm giác kiêu hãnh và tự hào chưa từng có".
Tàu 571 khởi hành đưa đoàn công tác ra thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1
Giao lưu giữa đoàn công tác với chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông
Trong khi đó, chị Nguyễn Quách Minh Hồng, đến từ Vụ Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xen lẫn tự hào là những giọt nước mắt. Chị Hồng thổ lộ: "Tôi là con liệt sĩ. Bố tôi hy sinh khi tôi mới 2 tuổi. Cả đời tôi chỉ có mong ước đến Trường Sa một lần. Ở đâu có hải phận của Việt Nam, kể cả hòn đảo xa Tổ quốc, thì ở đó có sự kết nối giữa trái tim người Việt để cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương".
Ở một góc tàu, hướng mắt ra đại dương bao la, hai bạn gái trẻ Nguyệt và Nhung, đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng không giấu được xúc động. Nhung bày tỏ: "Được đặt chân đến mảnh đất xa nhất của Tổ quốc là hạnh phúc vô bờ. Có lẽ đây là chuyến đi nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ kể cho bạn bè nghe về những gì mắt thấy tai nghe, về cuộc sống của chiến sĩ, về những đổi thay ở Trường Sa…".
Chuyến thăm Trường Sa, nhà giàn DK1 này khởi hành từ ngày 12-4, để lại những dấu ấn, kỷ niệm khó quên. Với 230 thành viên của đoàn, đây là chuyến hải trình đặc biệt, gửi gắm tình cảm đất liền đối với Trường Sa thân yêu.
Trong chuyến hải trình này, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đem theo 42 phần quà trị giá 200 triệu đồng tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1. Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh Vietsovpetro tặng các chiến sĩ trẻ gần 500 thẻ điện thoại Viettel và một số nhu yếu phẩm trị giá 60 triệu đồng; Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) tặng 500 triệu đồng; Hội Cựu chiến binh PTSC trao tặng phần quà trị giá 100 triệu đồng. Đoàn đại biểu đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng gửi tặng hàng trăm phần quà ý nghĩa.
"Đó là những món quà thắm đượm tình quân dân sâu sắc. Trường Sa luôn rất gần trong lòng người dân. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng Trường Sa, vì Trường Sa thân yêu trong hành trình "Xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ" - ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh PV Gas - chia sẻ.
Theo ông Nghị, bảo vệ Trường Sa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và dân ta. Chính sự động viên kịp thời từ đất liền tiếp thêm động lực để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ, vững chắc tay súng canh chủ quyền đất mẹ nơi đường biên Tổ quốc.
Hấp dẫn cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ vững chắc biển đảo nói riêng và lãnh thổ quốc gia Việt Nam nói chung; đồng thời tiếp nối thành công của chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023.
NỘI DUNG, PHẠM VI ĐỀ TÀI
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
- Tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đóng góp của người dân, ngư dân, các phong trào "Ngày biên phòng toàn dân", "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; các mô hình "Kết nghĩa bản - bản", "Xuân biên cương"… cùng các chương trình vận động, tuyên truyền tình đoàn kết, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền cho nhân dân khu vực biên giới, hải đảo.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Ban Tổ chức khuyến khích các tác giả viết bài gắn với chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" và 2 hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" do Báo Người Lao Động đang thực hiện; gửi clip/video kèm bài viết. Hội đồng giám khảo xem đây là "điểm cộng" nếu các tác phẩm dự thi có số điểm ngang nhau.
THỂ LỆ, YÊU CẦU
- Là bài viết dưới dạng bình luận, bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, phản ánh, ghi nhanh, bài cảm xúc...
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan. Tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền.
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh, clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Bài đã gửi tham dự cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 3 năm 2022-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức thì không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác.
- Các tác phẩm liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử... thì tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài viết.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
- Tác phẩm dự thi có thể đánh máy vi tính trên một mặt giấy (khổ A4) hoặc gửi qua mail; cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, bút danh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo đúng quy định của Báo Người Lao Động.
- Tác phẩm được sử dụng thuộc sở hữu của Báo Người Lao Động. Nếu tác phẩm không được sử dụng thì Báo Người Lao Động không có trách nhiệm gửi lại cho tác giả.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của Báo Người Lao Động không được tham gia.
THỜI GIAN NHẬN TÁC PHẨM
- Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động 23-6-2022 đến 15-5-2023.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2023.
- Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM. Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903343439. Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
- Bài dự thi ghi rõ: "Bài dự thi viết về chủ quyền quốc gia trên Báo Người Lao Động".
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG DỰ KIẾN
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải) : 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)