Bệnh xá Quân dân y của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 - đóng tại bản Phù Khả 2, xã biên giới Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - đã trở thành nơi khám chữa bệnh quen thuộc của người dân các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Típ, Mường Ải của huyện Kỳ Sơn.
Xem bộ đội như người thân
Từ nhiều bản của xã Na Ngoi để ra được Bệnh viện huyện Kỳ Sơn phải mất hàng giờ đi qua quãng đường 50 km, đèo dốc quanh co. Việc lập bệnh xá đã giúp người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận y tế, nhất là kịp thời cấp cứu, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Đại úy - bác sĩ quân y Nguyễn Công Minh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, cho biết: "Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, bệnh xá đã tiếp nhận, cấp cứu cho hàng chục người dân. Nếu không có các y - bác sĩ của đơn vị điều trị kịp thời thì nhiều người không giữ được tính mạng".
Bác sĩ Minh được người dân vùng biên này yêu quý vì gần gũi, quan tâm, chăm sóc, giúp họ nâng cao kiến thức về y tế. Theo bác sĩ Minh, năm 2005, lúc mới lên đây công tác, anh rất bỡ ngỡ, nhất là khó tiếp cận để nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Do hủ tục còn tồn tại, nhiều người có nhận thức hạn chế, mê tín nên nhất quyết không chịu đến khám bệnh. Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, rồi đến tận nhà dân khám bệnh, cấp thuốc. Theo thời gian, nhận thức của người dân thay đổi, mọi thứ cũng đổi thay. Gắn bó với đồng bào miền núi, được người dân tin tưởng, anh em chúng tôi ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc" - bác sĩ Minh bày tỏ.
Thiếu tá - bác sĩ quân y Lê Anh Đức khám chữa bệnh cho người dân vùng biên giới Ảnh: LÊ THẠCH
Tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, nhiều năm nay, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ luôn được người dân bản tin yêu. Thiếu tá - bác sĩ quân y Lê Anh Đức, Trạm xá Quân dân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, nhận nhiệm vụ ở đồn từ năm 2013, công việc hằng ngày là khám chữa bệnh cho bộ đội, người dân địa phương.
Chứng kiến nhiều người dân nghèo tử vong do ăn lá ngón, bác sĩ Đức trăn trở, mong muốn tìm được bài thuốc cứu người. Đến năm 2016, bác sĩ Đức đã tìm ra bài thuốc dân gian chữa ngộ độc lá ngón và từ đó đến nay đã cứu chữa kịp thời cho khoảng 30 người dân bản.
Theo ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, ở các thôn bản biên giới, việc bộ đội giúp dân chữa bệnh là một trong những hình ảnh đẹp nhất thể hiện nghĩa tình quân dân. Người dân vùng biên này luôn xem bộ đội như người thân của mình.
Giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Nghệ An là tỉnh có đường biên giới trên bộ dài 468,281 km, gắn liền với địa giới hành chính của 27 xã thuộc 6 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Quế Phong), tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn).
Thời gian qua, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới, tham gia cùng các địa phương trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, nhiều cán bộ bộ đội biên phòng còn trực tiếp tham gia các cấp ủy tại địa phương. Cụ thể, hiện nay, 27 cán bộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An giữ chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy các xã biên giới. Bên cạnh đó, 80 đảng viên các đồn biên phòng đã đến sinh hoạt tạm thời ở các chi bộ thôn, bản yếu kém, địa bàn khó khăn, phức tạp.
Ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, một đảng viên bộ đội biên phòng được tăng cường về làm phó bí thư xã. Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý, khẳng định nhờ sự tăng cường kịp thời này mà nhiều công việc của xã thời gian qua đều được thực hiện tốt. Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" cũng được triển khai thuận lợi hơn.
Điểm sáng tại tỉnh Nghệ An là lực lượng bộ đội biên phòng tham gia tích cực vào việc giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, bộ đội biên phòng đã hỗ trợ kinh phí hơn 660 triệu đồng mua bò giống và sửa chữa nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn; triển khai 43 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ khai hoang, phục hóa 139 ha ruộng nước. Lực lượng bộ đội biên phòng còn huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia 12.356 ngày công lao động, giúp dân thu hoạch và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; làm mới và tu sửa 345 km đường giao thông nông thôn; xây mới, sửa chữa, nạo vét 152 km kênh mương thủy lợi...
Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn - cho biết: "Na Ngoi là xã miền núi, đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi và Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 mà tình hình an ninh ở địa phương được ổn định, đời sống của người dân đỡ vất vả hơn. Một số hộ dân đã có của ăn của để, có tiền lo cho con học cao đẳng, đại học".
Diện mạo vùng biên giới Nghệ An đang từng ngày thay đổi nhờ có sự giúp sức của các anh bộ đội Cụ Hồ.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của đất nước ta.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)