Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, biển, đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời. Qua bao đời nay, ý thức gìn giữ, bảo vệ chủ quyền của mỗi người dân Việt luôn gắn với trách nhiệm và lòng yêu nước nồng nàn.
Những năm qua, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, tác động đến an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là nhóm tội phạm về ma túy, buôn lậu có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và hậu quả tác hại. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khác ở trên biển ngày một tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn...
Trước tình hình đó, ngày 19-11-2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại cho lực lượng nòng cốt là Hải quân, Cảnh sát biển đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ hướng biển.
Những người lính biển ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. (Ảnh tư liệu)
Luật Biển Việt Nam được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013 đã xác định rõ: "Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam". Tuy nhiên, việc tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên biển Đông đã, đang và sẽ diễn ra gay gắt; đồng thời đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn.
Trong số các chủ thể tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc là quốc gia có tham vọng lớn nhất. Tham vọng đó đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông đến nay, bằng những biện pháp và phương thức khác nhau thực hiện. Từ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thành lập các đơn vị hành chính đến khẳng định trên thực địa… Trung Quốc thể hiện rõ mưu đồ từng bước kiểm soát, khống chế tiến đến độc chiếm biển Đông, lấy biển Đông làm bàn đạp tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương… Tình hình này đòi hỏi chúng ta một mặt tiếp tục khai thác các chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; một mặt đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái của phía Trung Quốc, kể cả quan điểm chính thức và quan điểm của học giả. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là: "Mọi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, không có lợi cho hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải trên biển Đông".
Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xa xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Tinh thần ấy đã được lịch sử chứng minh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Càng khó khăn lại càng đoàn kết. Càng đoàn kết thì sẽ chiến thắng dù ngoại xâm, hay dịch bệnh - như cách chúng ta đang ứng phó trước đại dịch Covid-19! Phẩm chất ấy luôn xuất hiện trước bất kỳ mối đe dọa nào đến đất nước. Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm.
Nói vậy để tin tưởng rằng thế hệ trẻ, những con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình sẽ biết hóa tình yêu thành sức mạnh, gieo hành động bằng chính phần công sức dù nhỏ bé của mình.
Là một cán bộ trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển, hơn ai hết tôi hiểu rõ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của "bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ hướng biển". Và cùng lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo, mỗi người dân Việt Nam hãy trở thành một tuyên truyền viên giúp mọi người cùng hiểu, cùng nhau giữ gìn biên cương hải đảo của Tổ quốc; cống hiến hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, góp sức mình để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Hãy cùng nhau bắt đầu hành trình vì chủ quyền biển, đảo bất khả xâm phạm của Tổ quốc ngay từ hôm nay!
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
* Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của đất nước ta.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
* Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
* Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
* Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
* Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)