Tôi vừa có dịp đến nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam: Mũi Đại Lãnh (hay còn gọi là Mũi Điện). Đứng dưới cột cờ, không cần ngước lên quá cao cũng có thể thấy sự hùng vĩ của đất nước. Chỉ cần đứng đó và ngắm nhìn lá cờ, niềm xúc động trào dâng khó tả.
Mũi Đại Lãnh nằm ở thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháng 8-2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng danh lam thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) là di tích cấp quốc gia.
Quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp này là tài sản quý giá của tỉnh Phú Yên, là điểm đến hấp dẫn, không thể bỏ qua trong các chuyến hành trình duyên hải miền Trung Việt Nam của du khách. Đường đi thuận tiện khiến tour nào cũng cố gắng lồng vào và tranh thủ giới thiệu thật nhiều về hải đăng, bãi Môn và mũi Rạng Đông.
Hải đăng Đại Lãnh được chính thức xây dựng vào năm 1890 bởi những kiến trúc sư người Pháp vào những năm 90 của thế kỷ XIX. Trải qua bao biến cố lịch sử, hơn 100 năm sau, năm 1995, hải đăng mới được phục dựng và giữ nguyên trạng như bây giờ. Chừng đó thông tin cũng đủ để khẳng định chủ quyền. Nó vang vọng cả trong lịch sử, văn hóa và giờ đây ngọn hải đăng tưởng như khiêm tốn lại đóng góp vào phát triển du lịch. Có một điều chắc chắn, bất kỳ ai đến nơi đây, khi nhìn lá cờ tung bay trên cột cờ đều cảm nhận tình cảm thiêng liêng đối với chủ quyền của Tổ quốc. Và với du khách quốc tế, họ trân quý những giá trị văn hóa đó.
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Mũi Đại Lãnh
Chỉ cho chúng tôi chiếc thùng xốp trữ lạnh đựng nhiều chai nước giải khát, một anh nhân viên của trạm hải đăng thân tình mời du khách nghỉ mệt. Anh bảo: "Vừa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, canh gác cho tàu thuyền qua lại, chúng tôi cũng chung tay góp sức để du lịch phát triển, để cuộc sống người dân nơi đây đổi thay từng ngày" - anh nhân viên trực trạm hải đăng Đại Lãnh chia sẻ.
Chuyến đi và những trải nghiệm ở Mũi Đại Lãnh để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Ấn tượng khi anh nhân viên trực trạm hải đăng làm nhiệm vụ trực canh, chỉ dẫn tàu bè qua lại nhưng cũng rất nhiệt tình hướng dẫn du khách tham quan hải đăng. Anh chia sẻ: "Cuộc sống còn nhiều khó khăn lắm nhưng tôi vẫn muốn gắn bó công việc này, để mỗi ngày được ngắm nhìn tàu thuyền ra khơi, được mang lại niềm vui cho du khách".
Ấn tượng bởi một cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp người Phú Yên luôn cười tươi với du khách. "Với em, làm cho khách thấy cái đẹp, giá trị văn hóa của danh lam thắng cảnh này là cả niềm tự hào" - cô hướng dẫn viên bộc bạch. Thật đáng trân trọng khi người dân địa phương được thụ hưởng và trực tiếp đóng góp cho danh lam thắng cảnh.
Làm du lịch ngày nay khác trước rất nhiều, bởi chưa cần đến cũng biết nơi mình định đến có gì. Nhưng trực tiếp cảm nhận, du khách lại càng khẳng định chắc chắn vẻ đẹp và ghi nhận thêm vào tâm trí tình yêu đất nước ta. Đối với du khách quốc tế, song song với sự yêu thích khám phá, tìm hiểu, họ cũng hình thành niềm cảm mến với phong cảnh và văn hóa Việt Nam sau mỗi chuyến đi. Không chỉ vì giá thành rẻ, loại hình phong phú mà còn là cung cách phục vụ, còn là sự nồng hậu, ân cần. Việt Nam luôn mong mỏi cho bạn bè quốc tế thấy rằng không chỉ thiên nhiên mà cả con người Việt Nam cũng đáng mến.
Từ câu chuyện ở Mũi Đại Lãnh cũng xin nói rộng ra, về ý thức bảo vệ chủ quyền. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi có sự chung tay góp sức của mọi người. Trong tiến trình đó, giữ vững "biên giới mềm" từ văn hóa, từ suy nghĩ của mọi người Việt và phần nào là của cả bạn bè quốc tế là điều chúng ta phải chú trọng. Các chiến sĩ hải quân, biên phòng và người dân sống nơi biên giới, hải đảo từng ngày ra công sức để giữ gìn từng tấc đất, không để bị mài mòn trong thời đại thông tin và mềm hóa vạn vật. Mỗi người Việt dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất hình chữ S này đều phải mang trong mình nghĩa vụ thiêng liêng ấy!
Hằng ngày, anh nhân viên trạm hải đăng, cô hướng dẫn viên du lịch ở Mũi Đại Lãnh vẫn chăm chỉ công việc của mình và nhiệt tình với du khách. Đừng tưởng họ làm công việc này vì kế sinh nhai, chỉ đơn thuần giới thiệu cảnh đẹp cho du khách mà cao hơn, họ cũng mong muốn cho thế giới thấy lòng yêu nước, lòng mến khách của người Việt Nam.
Kinh doanh du lịch là một ngành mang tính đặc thù. Nó không chỉ có tính thời điểm, tính kết nối, tính cạnh tranh mà còn liên quan đến văn hóa một cách sâu sắc. Ngành công nghiệp không khói này đã hình thành và phát triển từ lâu và đã đạt được nhiều thành công. Đại dịch COVID-19 không khác gì một cơn bão càn quét bao thành quả xây dựng bấy lâu nay của ngành du lịch nhưng chúng ta đã và đang vượt qua để trở thành điểm đến hấp dẫn. Thành quả đó cũng chính là cách để chúng ta giữ vững "biên giới mềm", để nâng tầm đất nước.
Bình luận (0)