Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-1 công bố Báo cáo số 150 có tựa đề "Limits in the Seas" (tạm dịch: "Ranh giới trên biển") với chú thích "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Các yêu sách hàng hải tại biển Đông". Đây là tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật và pháp lý được Mỹ thực hiện suốt nhiều năm qua về các tuyên bố chủ quyền biển của các quốc gia, xem xét tính chất phù hợp với luật pháp quốc tế của các yêu sách này.
Bóc mẽ 4 loại yêu sách của Trung Quốc
Tài liệu là một công trình nghiên cứu dài 47 trang của Cục Đại dương và các Vấn đề Môi trường - Khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong thông cáo báo chí giới thiệu tài liệu, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại nghiên cứu mới dựa trên một phân tích năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ về các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trong phạm vi một "Đường 9 đoạn" mơ hồ ở biển Đông. Từ năm 2014, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định chủ quyền đối với một vùng rộng lớn tại biển Đông cũng như tại những nơi mà Trung Quốc gọi là "vùng nội thủy" và "các quần đảo xa". Những yêu sách này đều không phù hợp với luật pháp quốc tế được đề cập trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Cụ thể, theo báo cáo, Trung Quốc đã đưa ra 4 loại yêu sách chủ quyền khác nhau đối với biển Đông nhưng tất cả đều không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.
Yêu sách thứ nhất liên quan đến các thực thể trên biển. Nghiên cứu dẫn chứng Trung Quốc đòi hỏi "chủ quyền" đối với hơn 100 thực thể ở biển Đông, bao gồm cả những bãi cạn hay rạn san hô chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Xét từ góc độ pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, bởi lẽ các thực thể lúc chìm lúc nổi, hay các thực thể luôn chìm dưới mặt nước biển không thể là đối tượng để đòi hỏi chủ quyền.
Yêu sách thứ hai liên quan tới các đường cơ sở thẳng. Trung Quốc đã tự vạch ra "các đường cơ sở thẳng" bao quanh các đảo, vùng biển và các thực thể chìm trong phạm vi không gian đại dương rộng lớn ở biển Đông. Theo nghiên cứu này, không nhóm nào trong số 4 "nhóm đảo" mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền ở biển Đông và tự đặt tên (bao gồm Đông Sa - Pratas, Tây Sa - Hoàng Sa, Trung Sa - Macclesfield và Nam Sa - tức Trường Sa), có thể đáp ứng được các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một "đường cơ sở thẳng" bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1996 nhưng tuyên bố này hoàn toàn vi phạm UNCLOS.
Loại yêu sách thứ ba của Trung Quốc là về các vùng biển. Trung Quốc khẳng định do họ có chủ quyền đối với các nhóm thực thể ở biển Đông nên cũng sẽ có quyền tương ứng đối với các vùng biển xung quanh các thực thể đó, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với quy ước coi mỗi nhóm đảo trên biển Đông mà nước này tự nhận chủ quyền là "một thực thể đơn nhất".
Theo nghiên cứu của phía Mỹ, những lý lẽ này không được luật pháp quốc tế thừa nhận. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước dọc theo bờ biển lúc thủy triều thấp. Ngoài ra, trong các vùng biển mà Trung Quốc tự cho là thuộc chủ quyền của mình, nước này cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Loại yêu sách thứ tư đó là Trung Quốc luôn khẳng định rằng họ có "quyền lịch sử" ở biển Đông. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Mỹ vừa công bố, những yêu sách về quyền lịch sử này "không có cơ sở pháp lý".
Nói cách khác, quan điểm của Mỹ là bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên biển Đông. Nội dung này đã được nhắc tới tương tự trong phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế, cho rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bên trong cái gọi là "Đường 9 đoạn" hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Bìa Báo cáo số 150: “Ranh giới trên biển” được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 12-1 (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)
Nhiều nước đồng thuận với báo cáo
Với việc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo trên, có thể xem đây như một "cáo trạng" hoàn chỉnh nhằm vào các yêu sách về chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington ngày càng thách thức Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu với quan điểm sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài cho Mỹ. Lập trường cơ bản của Mỹ lâu nay vẫn là tránh chọn bên cụ thể trong các tranh cãi về chủ quyền ở biển Đông. Nghiên cứu mới chỉ xem xét các yêu sách của Trung Quốc chứ không xác nhận tính chính đáng cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác". Tuy nhiên, các chi tiết được chỉ ra cho thấy "Trung Quốc đã đưa ra những yêu sách chủ quyền phi pháp hoặc áp đặt quyền tài phán quá mức đối với hầu hết vùng biển Đông".
Chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh, làm việc tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng báo cáo của Mỹ là động thái mới nhất chuyển dần từ cách tiếp cận chủ yếu từ góc độ quân sự được chính quyền Mỹ thời Tổng thống Donald Trump vận dụng nhằm đối phó với Trung Quốc ở biển Đông, sang cách tiếp cận mang tính "chính trị và pháp lý" hơn. Ông cũng chỉ ra rằng thời điểm Mỹ công bố nghiên cứu, ngay trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) bế tắc, có thể là cách để Washington định hình và gây ảnh hưởng tới tiến trình này. "Các quốc gia châu Á sẽ rất quan tâm tới nghiên cứu của Mỹ. Những nội dung và dữ liệu trong nghiên cứu sẽ rất hữu ích trong việc củng cố lập trường của các thành viên ASEAN trong đàm phán với Mỹ" - ông Collin Koh nhấn mạnh.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế Shi Yinhong, làm việc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, khẳng định nghiên cứu sẽ khích lệ các quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc sẵn sàng đứng lên phản bác quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ông bình luận: "Với lập trường cứng rắn từ Mỹ, các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Indonesia sẽ cảm thấy tự tin hơn vì xem đó như một sự trấn an nhất định".
Trước đó, Mỹ đã nhiều lần thể hiện quan điểm về vấn đề biển Đông. Đặc biệt, Mỹ đưa ra quan điểm rõ ràng tại một nghiên cứu tương tự (báo cáo "Ranh giới trên biển") vào năm 2014. Tuyên bố hồi tháng 7-2020 của Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Mike Pompeo cũng đã đề cập rõ ràng việc Mỹ phản đối các yêu sách sai trái của Trung Quốc trên biển Đông.
Không chỉ Mỹ, thời gian qua cũng như sắp tới, nhiều quốc gia đã và sẽ tiếp tục lên tiếng phản đối những hành động sai trái của Trung Quốc. Mọi tuyên bố và hành động sai trái, đi ngược lại luật pháp quốc tế và UNCLOS của Trung Quốc sẽ không thể được chấp nhận. Tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm trật tự, hòa bình trên biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng, gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)