xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Mang xuân ra Trường Sa

CHÂU THƯ

Trong lúc chuyến tàu đặc biệt của Hải đoàn 129 mang quà xuân ra Trường Sa thì khắp 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ tăng tốc thực hiện 3 mục tiêu "kép"

70 phần quà trị giá 146 triệu đồng cùng lương thực, thực phẩm hàng quân nhu, quân trang đang được tàu 744 của Hải đoàn 129 thuộc Quân cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) vượt sóng to gió lớn qua hàng ngàn hải lý đến với cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa.

Chuyến tàu đặc biệt

Khác với sự náo nhiệt của những chuyến tàu đem mùa xuân ra Trường Sa những năm trước, năm nay, trực tiếp dự lễ tiễn tàu 744 đem quà xuân cho quân và dân 4 đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le vào chiều 23-12 tại Quân cảng Sài Gòn chỉ có lãnh đạo của Hải đoàn 129 và các sĩ quan chủ chốt.

Lễ tiễn tàu trong mùa dịch Covid-19 không có vợ, con tiễn chân, cũng không có phóng viên đến đưa tin mà chỉ có những người lính đã thực hiện nghiêm ngặt cách ly 21 ngày trước khi đi đảo. Thiếu tá Lê Minh Sum, thuyền trưởng tàu 744, chia sẻ: "Đây là chuyến tàu đặc biệt mang nghĩa tình của quân và dân đất liền đến với quân và dân Trường Sa. Chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cũng rất đặc biệt này".

Cuộc thi viết về chủ quyền: Mang xuân ra Trường Sa - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hải đoàn 129 tiễn tàu 744 mang quà ra Trường Sa

Cũng theo thiếu tá Sum, sau bão số 9 (Rai), hoàn lưu của bão đang làm cho các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa có sóng lớn cấp 6, gió chướng cuối mùa thổi mạnh, biển động, việc chuyển hàng, quà Tết lên các đảo thực hiện theo phương án truyền tải. Trong chuyến đi chúc Tết này, lãnh đạo Hải đoàn 129 sẽ kết hợp kiểm tra các mặt công tác, năng lực quản lý vận hành trong năm 2021 và bổ sung trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm để các âu tàu, làng chài tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân trong thời gian tới.

Thượng úy Bùi Tấn Vương, máy trưởng tàu 744, đứng trên tàu cầu cảng, vẫy tay chào đồng đội ở đất liền trước khi bước xuống tàu thi hành nhiệm vụ. Chuyến đi này, thượng úy Vương cũng không có người thân đưa tiễn. Đã nhiều ngày trôi qua, anh thực hiện nghiêm quân lệnh, không về nhà. Nỗi nhớ gia đình, người thân đành gác lại, tất cả vì sự an toàn của con tàu trước giờ đi đảo. "Từ công tác phòng chống dịch, công tác hậu cần đến khâu bảo dưỡng, bảo quản, kiểm tra vận hành máy tàu... đều được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tất cả phải chuẩn bị chu đáo để chuyến hải trình thành công, mang cái Tết an lành đến với chiến sĩ, ngư dân trên đảo" - thượng úy Vương bộc bạch.

Thiếu tá Hoàng Đình Ngà, Chính trị viên Hải đội 922 thuộc Hải đoàn 129, cho biết chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa là hoạt động thường niên của Hải đoàn. Đây là tình cảm, sự quan tâm động viên, tạo sự gắn kết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Được lên chuyến tàu đặc biệt này là vinh dự của những chiến sĩ trẻ.

Giữ bình yên cho Tổ quốc

Trong khi tàu 744 đang vượt qua hàng ngàn hải lý sóng to gió lớn thì cũng là thời điểm mùa xuân đã nhen lên trong tim những người lính đảo ở Trường Sa.

Từ đảo Tiên Nữ, trung úy Mai Văn Thịnh (quê huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ niềm vui với chúng tôi qua điện thoại: "Anh em trên đảo đang háo hức chờ tàu đem quà Tết ra. Ở đảo đón Tết không có vợ con, bố mẹ nhưng nhờ có đồng đội bên cạnh, nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi".

Trung úy Thịnh hiện là nhân viên thông tin, công tác ở đảo Tiên Nữ. Giữa năm 2021, vợ anh "vượt cạn" một mình ở quê nhà. Anh chỉ biết mặt con nhờ vợ gửi hình qua Zalo. "Lính đảo Trường Sa ai cũng như thế thôi. Phải chấp nhận hy sinh, cống hiến. Sứ mệnh thiêng liêng nhất của lính đảo là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trường Sa có bình yên, vững chắc thì đất liền mới đón Tết vui xuân an bình, hạnh phúc" - trung úy Thịnh bày tỏ.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Mang xuân ra Trường Sa - Ảnh 2.

Các chiến sĩ Hải quân chuyển quà xuống tàu 744, khởi hành ra Trường Sa từ ngày 23-12 Ảnh: ĐỨC THUẬN

Gắn bó với đảo Cô Lin qua mấy mùa giông bão, đại úy Nguyễn Văn Cường đã "chai lì" với nắng gió, thời tiết khắc nghiệt. Vậy mà mỗi dịp Tết đến xuân về, niềm vui trong anh háo hức như cậu binh nhì. Đại úy Cường bộc bạch: "Trong khi ở đất liền, mọi người quây quần bên nhau đón Tết thì chúng tôi tuần tra, canh gác, sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu. Càng nhọc nhằn, gian khổ, người lính càng can trường, chắc tay súng giữ bình yên cho Tổ quốc.

Đại úy Cường quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước khi ra Trường Sa, anh đưa vợ con vào TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sinh sống. Anh mong mỏi từng ngày được gặp mặt con gái mới sinh. Trước khi nhận công tác ở đảo Cô Lin, vợ chồng anh đã có một bé trai hơn 2 tuổi. Ra đảo công tác được khoảng 3 tuần, anh nhận được "tin vui" có cháu thứ hai. Khi biết tin vợ sinh bé gái, anh không kìm nổi cảm xúc. "Do điều kiện thông tin, mình vẫn chưa biết mặt con. Công tác ở Trường Sa nhiều năm, ra đảo, về bờ nhiều lần nhưng chuyến về đất liền sắp tới đây có ý nghĩa đặc biệt với tôi" - anh Cường tâm sự.

Gác lại chuyện riêng, chiến sĩ bộ đội Trường Sa vẫn vững vàng như cây phong ba nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm canh giữ biển trời, thầm lặng hy sinh. Tất cả vì Trường Sa thân thương, vì Tổ quốc ngời mãi sắc xuân.

Tất bật chuẩn bị Tết

Những ngày cuối cùng của năm 2021, khắp 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa như khoác lên mình màu áo mới. Tất cả các đảo nổi, đảo chìm đang "tăng tốc" thực hiện 3 mục tiêu "kép": Bảo vệ vững chắc đảo, chống dịch Covid-19 và chuẩn bị chu đáo cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết vui xuân.

Từ đảo Đá Thị, trung úy Nguyễn Văn Cảnh, nhân viên lái xuồng, cho biết những ngày qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, anh và đồng đội tất bật chuẩn bị đón Tết. Những căn nhà được quét sơn trắng. Công trình thanh niên, cây xanh được sửa sang, làm đẹp. Các cán bộ, chiến sĩ cũng đang "biên tập" tờ báo tường "Mùa xuân biển đảo" để "phát hành" đêm giao thừa.

Trong khi đó, thầy giáo Bành Hữu Tình, đảo Trường Sa Lớn, báo tin thầy và trò cùng phụ huynh đang tập luyện văn nghệ để cùng bộ đội Trường Sa biểu diễn đêm 29 Tết. Còn các chiến sĩ đảo Sơn Ca thì tranh thủ thời gian cuối tuần sơn mới gốc cây, làm mới đường nối liền giữa các phân đội để sẵn sàng đón Tết.

Trường Sa đã vào xuân - một mùa xuân đặc biệt không có Covid-19 như ở đất liền. Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, trong bất luận điều kiện hoàn cảnh nào, mùa xuân chưa bao giờ đến muộn. 

Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022 được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.

Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Mang xuân ra Trường Sa - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo