Mỗi lần nghe câu hát: "Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà..." (bài hát "Nơi đảo xa", tác giả Thế Song) là tôi nghĩ đến hình ảnh người chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Không biết tự bao giờ, hình ảnh người lính hải quân để lại ấn tượng đẹp trong tôi bởi sự anh dũng, kiên trung.
Mặc dù chưa một lần đặt chân đến nhưng bức tranh Trường Sa phủ đầy ký ức tôi. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong giờ học địa lý, theo lời giảng của thầy cô, tâm hồn tôi bay đến một quần đảo với hơn 100 đảo nhỏ và đảo đá ngầm. Quần đảo Trường Sa có những hòn đảo nổi, đảo chìm nằm giữa biển khơi như Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Phan Vinh...
Rồi qua những thước phim tư liệu và báo chí, tôi được biết cuộc sống trên đảo rất khó khăn, thiếu nước ngọt, các chiến sĩ hải quân phải chia nhau từng chậu nước. Các anh vẫn can trường, chắc tay súng canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau này, khi tôi trở thành một giáo viên dạy lịch sử, hình ảnh người chiến sĩ hải quân có trong bài giảng của tôi qua những chiến công rất đỗi tự hào. Tôi lại kể cho các em nghe về những chiến công của các anh.
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa Ảnh: THANH TÙNG
Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam). Sau khi thành lập, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã liên tiếp lập nhiều chiến công. Đặc biệt là chiến công đánh thắng trận đầu, đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ ra khỏi vùng biển Bắc Bộ vào ngày 2-8-1964. Đến ngày 5-8-1964, lực lượng Hải quân Việt Nam cùng với quân dân miền Bắc đập tan chiến dịch "Mũi tên xuyên" của không quân Mỹ.
Chiến công ngày 2 và 5-8-1964 là chiến thắng của trí thông minh, lòng dũng cảm của Hải quân Việt Nam và nhân dân ta chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây cũng là cuộc đọ sức quyết liệt giữa lực lượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển của quân và dân miền Bắc với sức mạnh của Hải quân và Không quân Mỹ.
Phát huy truyền thống anh dũng đánh thắng trận đầu, với quyết tâm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", Hải quân Việt Nam đánh bại chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ vào năm 1967; đã tháo gỡ, rà phá, làm mất hiệu lực 2.400 quả thủy lôi, mở tuyến thông luồng bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động; sản xuất, tiếp nhận, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trên hầu hết cửa sông, cửa biển và hải cảng.
Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đoàn 759 (tiền thân của Đoàn 125) được Bộ Quốc phòng thành lập ngày 23-10-1961 để mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 14 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong tỏa, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi thuộc hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến tận cùng của đất nước và sát cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà con đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa vươn tới được, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam. Hình ảnh những con tàu không số đi trong mưa bom bão đạn đã trở thành huyền thoại.
Đặc biệt, chiến thắng giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công to lớn của bộ đội Hải quân trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đúng 9 giờ sáng 29-4-1975, quân ta đã làm chủ đảo Trường Sa. Quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc được giải phóng.
Nhưng tôi cảm phục nhất là trận Hải chiến Trường Sa (14-3-1988), các cán bộ, chiến sĩ trên con tàu anh hùng HQ505 (Lữ đoàn 125) tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Cho đến nay, hình ảnh "Vòng tròn bất tử Gạc Ma" mãi mãi khắc ghi trong lòng người Việt. 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và còn đó nhiều đồng đội của mình bây giờ nằm dưới lòng biển Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Trong lời tri ân, tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, có đoạn: "Những chàng trai chân đất đầu trần một đời trung nghĩa, sống ngoan cường bất khuất trước bão giông. Người tử sĩ năm nào đã đi vào lòng biển, tấm thân gầy tuẫn tiết nợ nước non. Lính Trường Sa vượt thử thách gian nan, không quản ngại hy sinh xương máu. Anh ra đi và tạc vào biển mẹ, những dòng chữ vàng son, giữ cơ đồ ngàn năm tiên tổ...".
Khâm phục biết bao và kính cẩn nghiêng mình trước những chiến sĩ đã ngã xuống. Các anh là những con người anh hùng, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Khâm phục và tin yêu các anh, bỗng thấy mình nhỏ bé với những gì các anh đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc thân yêu.
Ngày 7-5-2020 vừa qua, Hải quân Nhân dân Việt Nam tròn 65 tuổi, khoảng thời gian vừa đủ để chứng minh được sự ra đời và trưởng thành của một binh chủng, được ghi dấu ấn qua bao chiến công hiển hách đã đi vào lịch sử những trang chói lọi nhất. Và những chiến công của Hải quân Nhân dân Việt Nam, sự hy sinh anh dũng, phẩm chất trung kiên của chiến sĩ hải quân đã theo tôi vào lớp học, để truyền dạy cho các em.
Mời bạn đọc gửi bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại gian khó của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không ngại khó, ngại khổ, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Thể loại: Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Tòa soạn
Bình luận (0)