xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm": Con sóng nào cuốn các anh đi...

MINH TUỆ

Những kỷ vật, bức thư của liệt sĩ hải quân được thả xuống lòng đại dương là những câu chuyện xúc động về sự hy sinh của các anh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc

Trong chuyến hải trình ra các điểm đảo thuộc tuyến giữa Trường Sa mới đây, lần đầu tiên tôi được dự một buổi lễ tưởng niệm liệt sĩ giữa mênh mông sóng nước, ngay tại nơi các chiến sĩ hải quân đã hy sinh.

Từ những kỷ vật gửi biển xanh...

Hôm ấy, buổi lễ tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa được tổ chức trên tàu HQ 936 của Vùng 4 Hải quân, ngay tại khu vực đảo Gạc Ma, nơi 64 chiến sĩ hải quân đã hy sinh và vĩnh viễn yên nghỉ giữa lòng biển.

Ngay tại lễ tưởng niệm, một thành viên đi cùng đoàn - nữ phóng viên Hồng Nhạn (Báo Ninh Thuận) - đã giúp bà Nguyễn Thị Dung (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thực hiện tâm nguyện gửi những kỷ vật vào lòng biển, ngay tại nơi người yêu chị hy sinh năm đó. "Người yêu của chị Dung là Võ Đình Tuấn - một trong 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Biết tôi có chuyến công tác ra các điểm đảo thuộc khu vực này, chị đã gửi những lá thư, nhật ký và tấm ảnh chụp chung của hai người trong những ngày anh chị mới yêu nhau. Chị bảo đó là những thứ mà anh Tuấn chưa bao giờ nhìn thấy, kể từ ngày chị tiễn anh ra đảo năm 1987…" - phóng viên Hồng Nhạn xúc động cho biết.

Cuộc thi viết Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm: Con sóng nào cuốn các anh đi... - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp với người yêu, liệt sĩ Võ Đình Tuấn, được chị Nguyễn Thị Dung nhờ thả xuống lòng đại dương cho anh. (Ảnh kỷ vật của gia đình)

Cùng với những kỷ vật của chị Dung, một thành viên trong đoàn còn mang theo một lá thư của ông Võ Ta, thân phụ của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, nhờ "chuyển" tới người con trai. Lá thư có đoạn: "Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay (thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988. Mong linh hồn con siêu thoát…".

Sau khi buộc chặt cuốn nhật ký, tấm ảnh và những lá thư vào một mảnh san hô, phóng viên Hồng Nhạn nâng niu trên tay rồi bước ra mạn tàu, từ từ thả xuống biển. Cô phóng viên vừa bước qua tuổi đôi mươi ôm mặt nức nở: "Chị Dung ơi, em vừa giúp chị thực hiện tâm nguyện mà chị từng ấp ủ từ bấy lâu, ngay tại nơi sóng đã cuốn anh đi…". Giọng nói nghẹn ngào giữa trùng khơi làm cuộc gọi từ đảo xa về đất liền bị ngắt quãng. Có lẽ, ở đầu dây bên kia, trong đất liền, đã có những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của cô giáo trẻ ngày nào từng đem lòng yêu anh lính đảo. Nhiều người có mặt trên boong tàu lúc ấy cũng vội quay đi, lén lau những giọt nước mắt…

... đến những cánh thư trong căn phòng vắng

Tôi đến Đoàn 679 (Quân chủng Hải quân) để tìm gặp chị Trần Thị Tuyến, nhân viên bếp ăn của đơn vị. Chị Tuyến quê ở xã Yên Mật, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn An.

Do nhà ở xa đơn vị hơn 100 km nên chị Tuyến đành gửi cậu con trai đang học cấp 2 cho ông bà nội, ngoại để tới ở tạm trong khu tập thể của đơn vị. Căn phòng chị ở khá chật, chỉ đủ kê chiếc giường cá nhân, vậy mà với chị, nó vẫn thật trống trải, bởi đã 22 năm nay chị vĩnh viễn mất anh.

Cuộc thi viết Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm: Con sóng nào cuốn các anh đi... - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Tuyến đọc lại những trang thư kỷ vật của người chồng liệt sĩ

Năm 1997, cô gái trẻ Trần Thị Tuyến xây dựng gia đình với chiến sĩ hải quân Nguyễn Văn An. Chia tay người vợ trẻ, An lên đường ra làm nhiệm vụ ở nhà Phúc Nguyên 2A thuộc cụm giàn DK1. Ngày 12-12-1998, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào vùng biển thềm lục địa Vũng Tàu. Sau một ngày chống chọi với cơn bão mạnh cấp 12, nhà giàn bị đổ. Các chiến sĩ nhận lệnh xuống biển bằng chiếc phao bè để tiếp tục đối phó với bão dữ. Để đồng đội trở về đất liền an toàn, đại úy Vũ Quang Chương, chỉ huy trưởng nhà giàn, cùng chàng lính trẻ Nguyễn Văn An nhận nhiệm vụ thu tài liệu, quấn lá cờ Tổ quốc vào người và rời nhà giàn sau cùng. Song, sự hung dữ của cơn bão năm ấy đã cướp đi tính mạng của 3 chiến sĩ: Vũ Quang Chương (quê xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Lê Đức Hồng (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn An (xã Yên Mật, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Chương, Hồng ngã vào lòng biển khi chưa kịp yêu một người con gái. Ở Thái Bình, Chương còn gánh nặng là bố mẹ già và người em trai bị bệnh tâm thần. Còn với Nguyễn Văn An, anh mới nhận tin vợ vừa sinh con trai...

Chị Tuyến đã cùng tôi đọc lại những trang thư anh gửi từ nhà giàn, có tới hàng chục bức thư như thế đang được chị lưu giữ. Chị kể mỗi lúc rảnh rỗi, chị lại ngồi lật giở những trang thư của anh và một mình gặm nhấm nỗi đau trong căn phòng vắng…

Trong số rất nhiều những lá thư được chị Tuyến gìn giữ như những kỷ vật quý, chị đưa cho tôi xem lá thư cuối cùng Nguyễn Văn An gửi về từ địa chỉ hòm thư 6KE-1652-DK1, lô 2A, Vũng Tàu. Lá thư đề ngày 29-10-1998, trong đó anh viết:

"Em và con thương yêu

Chắc giờ này em và con đang rất mong tin anh. Anh cũng vậy, anh rất muốn về bên em và con, để chia sẻ, gánh vác cùng em. Nhưng giờ này anh đang ở giữa biển khơi, cách đất liền hàng trăm hải lý. Ở nhà em cũng đừng lo lắng cho anh nhiều, cố gắng thay anh nuôi dạy con và ăn uống bồi dưỡng, nhất là phải kiêng cho tốt, đừng tham công tiếc việc mà đi làm sớm.

Còn cu Tí có khỏe và ngoan không, anh chưa tưởng tượng được con như thế nào, chắc nó to cao giống bố và xinh xắn như mẹ nó phải không? Sau này lớn lên, anh sẽ cho nó làm bộ đội hải quân để tiếp bước ba nó ra bảo vệ và khai thác dầu, vì nơi bọn anh đang chốt giữ là mỏ dầu tương lai, chắc em cũng bằng lòng chứ?...".

Như bao ông bố, bà mẹ khác, Nguyễn Văn An mong một ngày mình trở về đất liền, được về thăm, xem mặt con, nhưng người lính hải quân ấy đã vĩnh viễn đi vào lòng biển mà không bao giờ thực hiện được ước muốn bình dị ấy. Anh hy sinh khi cậu con trai Nguyễn Tiến Anh vừa chào đời được hơn 2 tháng… 

Hy sinh thầm lặng

Những kỷ vật, bức thư của liệt sĩ hải quân được thả xuống lòng đại dương là những câu chuyện xúc động về sự hy sinh của các anh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Qua tiếp xúc với các thân nhân liệt sĩ hải quân, người viết bài này nhận thấy không chỉ chị Nguyễn Thị Dung, chị Trần Thị Tuyến mà rất nhiều người thân của họ đều mong mỏi được một lần lên tàu, ra thăm vùng biển nơi các anh hy sinh, để biết đâu, trong muôn trùng sóng dữ, họ có thể nhận ra con sóng nào đã cuốn các anh đi...

Mời bạn viết tham gia cuộc thi

Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.

Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn viết tham gia cuộc thi. Nội dung, thể lệ cuộc thi và các quy định xem chi tiết tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-ve-chu-quyen-bien-dao-20200803210847858.htm. Tác phẩm dự thi gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo