Ngã ba Đông Dương - "ngã ba biên", khu vực đặc biệt, nơi tiếp giáp biên giới ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào, cũng là khu vực mà đơn vị tôi bám địa bàn bảo vệ biên giới, chống lại những đợt xâm nhập nội địa của quân Pol Pot - Ieng Sary những năm sau 1975.
Biên giới thiêng liêng
Biên giới giữa Trung Kỳ với Campuchia từng được xác định bằng Nghị định ngày 6-12-1904 và Nghị định ngày 4-7-1905 của Toàn quyền Đông Dương, chưa được cắm mốc giới trên thực địa; khác với biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia từng được hoạch định bởi Thỏa ước Pháp - Campuchia từ năm 1873...
Lần đầu tiên tôi cùng đồng đội vượt biên giới là tháng 10-1978, khi được lệnh giải cứu một đơn vị bạn cắm chốt phòng thủ từ xa bên kia biên giới khoảng 5 km, trên một ngọn đồi. Thực tế, từ sau ngày 30-4-1975, Pol Pot đã tấn công gần như trên toàn tuyến biên giới, vào sâu trong đất liền Việt Nam, sâu nhất là trên địa bàn tỉnh An Giang. Tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum, đêm 3-1-1976, quân Pol Pot tràn sang làng Xộp, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy, đốt nhà cửa của dân, cướp phá tài sản và bắt đi 130 dân làng.
20 giờ, chúng tôi đặt chân qua biên giới. Bằng linh cảm của người lính, tôi thử tìm dấu ấn những cột mốc biên giới nhưng không thấy. Phải đến rạng sáng hôm sau, chúng tôi mới tiếp cận được quân mình.
Đập vào mắt chúng tôi, chốt là một trận địa như địa ngục, mùi tử sĩ nồng nặc, những con ruồi lớn bay vèo vèo, lính tráng xác xơ, râu ria như người rừng. Lương thực và đạn dược đã cạn kiệt nhưng việc giữ được chốt là một cố gắng đặc biệt.
Đại đội trưởng ra lệnh chôn cất tử sĩ và chuẩn bị đưa cả đội hình rút quân. 5 km lui quân cực kỳ cam go vì địch biết đường rút của quân ta, chặn đánh liên tục. Nhờ pháo 105 ly bắn mở đường, chỉ vài giờ sau, chúng tôi đã đưa được đội hình qua biên giới.
Lần thứ 2 tôi vượt qua biên giới là vào tháng 12-1978, khi đơn vị chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Campuchia. Những đợt trinh sát liên tục vào sâu nội địa nước bạn và lần này, tôi vượt qua biên giới trong một chuyến trinh sát mà dự báo rất khó khăn.
Tôi không bao giờ quên chuyến trinh sát này. Bởi lẽ, khi chuẩn bị thổi phao bơi qua sông Sêrêpôk trên địa phận Campuchia, để ba-lô nhẹ ký, tôi bỏ lại bên bờ sông cuốn tiểu thuyết đang đọc dở "Chiến tranh và hòa bình" của Lev Tolstoy. Tôi cũng chợt hiểu rằng bây giờ chưa có hòa bình. Và tôi bước vào cuộc chiến nhiều năm trên đất nước Chùa Tháp như vậy.
Chuyến trinh sát với mục đích vẽ lại trận địa pháo của Sư đoàn 920 Pol Pot không phức tạp lắm nhưng rất nguy hiểm. Địch bố trí lực lượng bảo vệ trận địa pháo dày đặc. Chúng tôi chỉ có thể hành quân vào ban ngày, ban đêm rúc vào bụi rậm dày đặc ẩn mình.
10 ngày sau, nhóm trinh sát cắt rừng trở về. Khi trở lại gặp sông Sêrêpôk, tôi biết mình sắp về đến đất mẹ. Bằng linh cảm, đại đội trưởng trinh sát mạnh dạn dẫn đội hình giãn cách của chúng tôi xuyên qua rừng khộp đang mùa chuẩn bị thay lá, đẫm sắc vàng, sắc đỏ đẹp mê hồn.
Tháng 3-1979, một lần nữa tôi vượt biên giới, rồi cùng cả sư đoàn trở về Việt Nam sau khi đơn vị tôi (Sư đoàn 309) hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Vì yêu cầu cấp bách của chiến trường, một cầu không vận được thiết lập để đưa bộ đội từ sân bay Cù Hanh (Pleiku) vào TP HCM, rồi bay sang Battambang.
Cột mốc 171 Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh, khánh thành ngày 27-9-2006 (Nguồn ảnh của Bộ đội Biên phòng Kon Tum và Tây Ninh)
Sau 3 năm trên chiến trường ác liệt Tây Nam Campuchia, tôi được về phép bằng đường bộ dài hơn 500 km, từ Battambang qua cửa khẩu Mộc Bài. Số phận gắn tôi với những đường biên giới. Xe gần đến cửa khẩu Mộc Bài thì bị hỏng, tài xế bảo phải sáng hôm sau mới có phụ tùng thay thế. Thế là bộ đội lục tục kéo nhau qua cửa khẩu. Cửa khẩu Mộc Bài lúc đó chỉ là một chốt gác barie, do bộ đội đảm trách.
Qua bên này đất Việt, tôi cùng đồng đội quỳ xuống hôn mảnh đất yêu thương của Tổ quốc sau nhiều năm xa cách, nước mắt chảy ra tự lúc nào. Hơn 4 năm, tôi mới đặt chân lên Tổ quốc mình, để làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương đất nước từ xa, tận biên giới với Thái Lan.
Anh em đi phép tập trung lại, nghỉ qua đêm ở chỗ mà ngày nay là Cột mốc số 17 - được khánh thành ngày 27-9-2006. Đó là một đêm hòa bình và an lành với những người lính chiến trận như chúng tôi.
Những chiếc võng móc lên cây và từ đâu đó vang lên bài hát "Chiều biên giới em ơi" của Trần Chung: "Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào xanh hơn/Như chồi non cỏ biếc/Như rừng cây của lá/Như tình yêu đôi ta...". Bài hát về biên giới phía Bắc, lúc ấy cuộc chiến vẫn rất ác liệt, nhưng sao chúng tôi cảm giác như nói về mảnh đất yêu quý mà mình đang nằm trên đó. Biết bao máu của đồng đội tôi đã đổ xuống...
Thành quả quan trọng
Do nghề nghiệp, những năm 2000, tôi từng theo Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đi dọc tuyến biên giới của 5 huyện có đường biên với Campuchia để chống buôn lậu. Đó là những tuyến biên giới rất khó phân biệt do chưa được cắm mốc, chỉ có những dấu mốc tạm thời. Nhiều khu vực rất khó phân biệt đường biên vì những cánh đồng bất tận nối dài.
Do lịch sử để lại, tuyến biên giới trên đất liền giữa hai nước Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137 km cần có một hiệp ước có tính quốc tế, để cắm mốc. Đó là lý do Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia 1985, có hiệu lực pháp lý từ năm 2005, được ký kết giữa hai chính phủ.
Tại hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2006-2019 ở Hà Nội ngày 5-10-2019, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, hai bên đã ký thêm 2 văn kiện pháp lý quan trọng, để bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985. Đây là những văn kiện pháp lý sau cùng để hoàn thành việc cắm mốc biên giới.
Cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (ngã ba Đông Dương) thuộc khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum (Nguồn ảnh của Bộ đội Biên phòng Kon Tum và Tây Ninh)
Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2006 tới nay, Việt Nam và Campuchia đã hoàn thành phân giới khoảng 1.045 km đường biên, xây dựng 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí, tương đương khoảng 84% chiều dài đường biên giới trên toàn tuyến, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đây là thành quả quan trọng trong 36 năm hợp tác giải quyết vấn đề biên giới. Hiện hai bên vẫn nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại.
Vấn đề phân định đường biên giới giữa hai nước cũng được quốc tế rất quan tâm, thậm chí còn bị những kẻ cơ hội chính trị ở Campuchia phản ứng. Nhưng vượt qua tất cả, với tình hữu nghị đặc biệt và những cơ sở pháp lý được quốc tế công nhận, Việt Nam - Campuchia đã và đang xây dựng, dần hoàn chỉnh đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau.
Tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày chế độ Pol Pot sụp đổ, tổ chức ở tỉnh Tboung Khmum - Campuchia ngày 20-6-2022, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: "Tôi xin khẳng định rằng tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet; và tôi cũng không muốn đất Việt Nam, dù chỉ 1 milimet... Việt Nam không cần lấy đất của chúng ta và chúng ta cũng không cần lấy đất của Việt Nam".
Trước đó, tại lễ ký kết các hiệp định bổ sung biên giới Việt Nam - Campuchia vào ngày 5-10-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Lễ ký hôm nay là tuyên bố mạnh mẽ với khu vực và thế giới của hai quốc gia độc lập, có chủ quyền là Việt Nam và Campuchia về ý chí, quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai bên".
Bình luận (0)