Xây dựng "thế trận lòng dân" là nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Trong đó, xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển là nội dung quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là sức mạnh của ngư dân, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ quốc phòng - an ninh của đất nước từ hướng biển.
Hiện nay, tình hình biển Đông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó dự báo. Một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường triển khai nhiều biện pháp, áp đặt quyết liệt hơn các yêu sách phi lý nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông. Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục duy trì những hoạt động nghiên cứu, tự do hàng hải, diễn tập trên biển Đông để nắm tình hình, cạnh tranh chiến lược. Các nước trong khu vực tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát tại những vùng giáp ranh; xử lý cứng rắn tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của họ. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy tiếp tục diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn...
Trước tình hình đó, yêu cầu xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững mạnh là nội dung cấp thiết hiện nay.
Việc xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển đòi hỏi tập trung vào một số nội dung trọng điểm sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, ngư dân; khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào lực lượng thực thi pháp luật trên biển; yên tâm vươn khơi bám biển, cùng với lực lượng chức năng giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Các nội dung tuyên truyền tập trung vào quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia đối với các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; những chứng cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Cờ Tổ quốc của chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao Động phát động và thực hiện được ngư dân treo trên nóc tàu trong mỗi chuyến ra khơi
Hai là, thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Nội dung phổ biến cần chú trọng vào những vấn đề, tình huống ngư dân thường xuyên gặp phải trên biển và cách ứng phó, giải quyết như: cách thức, phương pháp thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện phương tiện quân sự, tàu cá, tàu thăm dò, giàn khoan của nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; phương pháp đấu tranh khi đánh bắt tại vùng biển Việt Nam mà bị nước ngoài khám xét, bắt giữ; cách xử lý khi gặp tàu, người bị nạn trên biển...
Ngoài ra, vận động ngư dân kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, những thông tin sai sự thật về tình hình biển, đảo Việt Nam.
Ba là, đẩy mạnh các hoạt động góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân; giúp đỡ, đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển thông qua các chương trình thiết thực, như "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" của lực lượng Cảnh sát biển, "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay là chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc") của Báo Người Lao Động…
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ven biển và trên các đảo. Đây là vấn đề rất quan trọng để huy động sức dân nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở bãi ngang ven biển và trên đảo; tập trung vào những nơi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các khu bảo đảm hậu cần - kỹ thuật nghề cá, trường học, trạm y tế; có chính sách thỏa đáng để khuyến khích trí thức trẻ về công tác tại những vùng ven biển còn khó khăn; thu hút ngư dân và cán bộ ra làm ăn sinh sống trên các đảo; thực hiện xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên những vùng ven biển và trên đảo.
Năm là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Các lực lượng vũ trang như Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng cần phải làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, duy trì, thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, vi phạm với tinh thần kiên quyết, không khoan nhượng; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống trên biển.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn trên biển, an ninh hàng hải, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo, đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh là nội dung quan trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.
Bình luận (0)