Tháng 7-2019, trong chuyến công tác ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân huyện đảo từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động, chúng tôi nhớ mãi những câu chuyện cảm động, ấm áp của bà con ngư dân đảo tiền tiêu.
Xin cờ Tổ quốc, biếu lại túi mực
Giữa trưa nắng chang chang cuối tháng 7, đoàn chúng tôi đều từ thành phố ra, không mấy quen với cảnh lênh đênh trên biển. Vì nhiệm vụ, mỗi người phải mang theo nhiều dụng cụ, máy móc lỉnh kỉnh ngồi trong thuyền thúng tròng trành để ra các tàu đang neo đậu ngoài xa. Mặt mày ai nấy cũng xanh lét vì vừa say sóng vừa say nắng.
Thấy vậy, ngư dân Phạm Thanh (ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn) chèo thật nhanh chiếc thuyền thúng đến chỗ chúng tôi. Bằng chất giọng đặc miền xứ biển, anh ngụ ý xin cờ Tổ quốc treo lên nóc tàu thay cho lá cờ đã úa màu vì sóng gió cùng một vài tờ báo để nắm bắt tình hình thời sự của đất nước. Đổi lại, anh cho chúng tôi một túi mực do các thuyền viên trên tàu vừa đánh bắt được.
Ngư dân Lý Sơn treo cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động trao tặng, chuẩn bị ra khơi đánh bắt
Nghe anh Thanh nói vậy, chúng tôi trao ngay cờ Tổ quốc và tặng vài tờ báo nhưng sẽ không lấy mực của anh. Anh Thanh nhất định không chịu. "Không phải tôi không mua được lá cờ Tổ quốc treo lên tàu mình mà chúng tôi thấy các anh trao cờ cho bà con như thế, là thể hiện tinh thần trách nhiệm, chung tay với ngư dân. Chúng tôi không còn cảm thấy đơn độc trên biển nữa, nhất là lúc càng ngày việc đánh bắt trên biển càng khó khăn khi liên tục bị chèn ép, đẩy đuổi… Hành động nhỏ nhưng mang lại niềm sự áp to lớn cho ngư dân chúng tôi..." - anh Thanh nói.
Rồi anh quả quyết tặng cho chúng tôi túi mực "để trưa nay anh em làm chương trình bồi bổ lấy sức, đi tới nhiều bà con ngư dân khác nữa".
Cầm túi mực trên tay, cảm giác mệt nhọc từ cái nắng đổ lửa dường như tan biến. Ở đảo Lý Sơn có trên 22.000 người dân, hàng ngàn con tàu cá, phần lớn người dân gắn bó với biển. Những lá cờ căng gió cùng các ngư dân đảo Lý Sơn ra khơi chính là đang chở hàng triệu tấm lòng của người dân cả nước gửi gắm, tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, giữ ngư trường biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Liều thuốc tinh thần"
Trong số nhiều người chúng tôi tiếp xúc, có lẽ chúng tôi nhớ nhất là bà Phạm Thị Hương, Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn. Khi chúng tôi liên hệ với UBND huyện Lý Sơn để nắm bắt tình hình ngư dân và đề cập chuyện trao cờ, bà Hương lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hồ hởi nhận lời ngay. Rồi những buổi trưa nắng gắt, bà cũng lặn lội cùng đoàn, ra tận tàu cá trao cờ, quà cho bà con.
Gần 2 năm đã trôi qua, khi nhắc lại câu chuyện trao cờ Tổ quốc cho ngư dân, bà Phạm Thị Hương cảm nhận như chuyện mới diễn ra hôm qua.
Theo bà Hương, ngư dân của Lý Sơn lâu nay thường xuyên bị tấn công, xua đuổi, bắt bớ mỗi khi ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đánh bắt, gây thiệt hại rất lớn... Bởi vậy, bất kỳ hành động nào dù nhỏ nhất cũng sẽ góp phần giúp ngư dân vượt qua những khó khăn, tạo động lực để bà con yên tâm bám biển.
Là một người con của Lý Sơn, trưởng thành, gắn bó với đảo tiền tiêu này bao năm qua và chứng kiến rất nhiều vụ việc tàu cá Lý Sơn bị tàu nước ngoài bắt bớ, xua đuổi, thậm chí đâm chìm tàu, bà Hương cho rằng việc Báo Người Lao Động trao cho ngư dân những lá cờ Tổ quốc, cắm lên nóc tàu mỗi khi ra Hoàng Sa, Trường Sa là việc làm hết sức ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn...
"Ai cũng biết, ngư dân Lý Sơn đã gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm qua nhưng hiện nay, ngư dân đang bị tàu nước ngoài gây hấn, quấy phá... Việc các tổ chức, đoàn thể tặng quà, cờ đã động viên ngư dân vững tin bám biển, giữ ngư trường. "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là một chương trình ý nghĩa, mang đậm tinh thần dân tộc; là nguồn động viên, khích lệ bà con ngư dân giữ vững ngư trường" - bà Hương nhận xét.
Còn đối với ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, câu chuyện trao cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân là "liều thuốc tinh thần" giúp ngư dân vượt qua khó khăn. Toàn An Hải có hàng trăm tàu cá của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đối với ngư dân, khi ra biển, mỗi tàu cá với lá cờ Tổ quốc phía trên là thể hiện chủ quyền quốc gia ở đó. Vì vậy, mọi ngư dân khi thấy cờ Tổ quốc sẽ đoàn kết hơn, xích lại gần nhau hơn, giúp nhau vượt qua khó khăn, tai ương trên biển.
Phát động chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc"
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động phát động từ năm 2019 đã đi qua một hành trình đầy vất vả và tự hào, đến với bà con ngư dân và người dân ở hầu hết tỉnh, thành cả nước. Sau hơn 3 năm 3 tháng thực hiện, tính đến nay, chương trình đã trao và ký kết trao hơn 1,2 triệu lá cờ Tổ quốc, sớm hơn dự kiến gần 2 năm.
Giai đoạn 2 của chương trình được Báo Người Lao Động chính thức phát động và triển khai thực hiện từ ngày 8-9 với tên gọi "Tự hào cờ Tổ quốc", gồm 3 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương" và "Đường cờ Tổ quốc". Mục tiêu đặt ra là đến năm 2024, tức sau 5 năm phát động, chương trình sẽ đạt 2 triệu lá cờ Tổ quốc, bằng 200% kế hoạch ban đầu.
Bình luận (0)