Ngày 28-5, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Báo Người Lao Động phối hợp Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", trao 5.000 lá cờ Tổ quốc cùng các túi thuốc y tế cho ngư dân huyện nhà. Đây là chương trình được lồng ghép, kết hợp trong loạt hoạt động "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện. Ngoài ra, Báo Người Lao Động cũng trao quà cho ngư dân với tổng trị giá 50 triệu đồng.
Quyết tâm vươn khơi bám biển
Ngay từ sáng sớm, Báo Người Lao Động đã cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đến thăm, tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân đang neo đậu tại cảng An Hải (huyện Lý Sơn).
Xúc động chứng kiến Quốc kỳ tung bay trên nóc tàu, ngư dân Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn), cho biết mỗi ngư dân, mỗi thành viên nghiệp đoàn đều mang trong mình ý thức, trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương. Huyện Lý Sơn có trên 550 tàu cá, hơn 3.000 ngư dân. Trong số đó, có trên 80 tàu cá với gần 1.000 ngư dân là đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh, An Hải.
"Chúng tôi ý thức rằng mỗi ngư dân là một dân quân, mỗi con thuyền là một cột mốc sống trên biển. Ngư dân Lý Sơn phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với những bậc tiền bối đã ra đi cắm mốc xác lập chủ quyền Tổ quốc. Ngư dân quyết đồng hành với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, vừa ra khơi khai thác vừa góp phần cùng ngư dân cả nước khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà bao đời cha ông đã gìn giữ" - ông Chinh nói.
Nhận cờ Tổ quốc từ chương trình, ngư dân Mai Văn Quân (trú thôn Đông, huyện Lý Sơn) bày tỏ đây là những món quà trân quý. Theo ông Quân, cờ Tổ quốc vừa thể hiện chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm của Việt Nam, vừa là người bạn thân thiết với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi. "Những lá Quốc kỳ được trao tặng hôm nay là nguồn động viên rất lớn cho chúng tôi tiếp tục ra khơi, trực chỉ 2 ngư trường truyền thống của nước ta là Trường Sa, Hoàng Sa" - ông Quân xúc động.
Cùng ý kiến, thuyền trưởng Hoàng Văn Nguyên (trú thôn Đông, huyện Lý Sơn) khẳng định Quốc kỳ là biểu tượng không thể thay thế, thể hiện tinh thần Việt Nam, con người Việt Nam, biển đảo Việt Nam trong mỗi chuyến ra khơi. "Báo Người Lao Động đã tiếp thêm cho chúng tôi nguồn lực để vươn khơi bám biển, giữ vững Quốc kỳ tung bay trên biển trời quê hương" - ông Nguyên nói.
Đại diện Cảnh sát biển Việt Nam và Báo Người Lao Động trao cờ Tổ quốc cho ngư dân Lý Sơn vào ngày 28-5
Vừa ý nghĩa vừa hiệu quả
Cùng trao cờ và túi thuốc y tế cho ngư dân địa phương vào sáng 28-5, ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhận định "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là chương trình vừa ý nghĩa vừa hiệu quả. Khi ngư dân mang áo cờ đỏ sao vàng cắm trên mũi tàu mình chính là sự kết tinh của hồn đất nước, hồn dân tộc vào đời sống sản xuất của đồng bào ngư dân. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở đâu thì ở đó chủ quyền quốc gia được khẳng định.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết Báo Người Lao Động là cơ quan luôn đồng hành với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam suốt thời gian qua. Đây là sự phối hợp chặt chẽ, rất hiệu quả, trực tiếp góp phần vào sự thành công trong hoạt động của Cảnh sát biển, đồng hành với ngư dân trên khắp cả nước.
Theo Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 Lê Huy Sinh, năm 2022 có ý nghĩa sâu sắc bởi sau khi đất nước trải qua 2 năm dịch Covid-19, người dân, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn về đời sống, kinh tế, rất cần sự động viên, hỗ trợ từ mọi nguồn lực trong xã hội. Do đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 và Báo Người Lao Động lại tiếp tục đồng hành, thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" nhằm đến gần hơn, sâu sát hơn với người dân.
Đến nay, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao 830.220 lá cờ Tổ quốc trong tổng số 1 triệu lá cờ đến đồng bào các tỉnh, thành. Trong đó đã trao và ký kết trao 624.470 lá cờ trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho 22 tỉnh, thành có biển; 143.050 lá cờ từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" đến 17 tỉnh, thành và 62.700 lá cờ từ hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" tại 12 tỉnh, thành. Riêng đối với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Báo Người Lao Động đã trao tổng cộng 14.000 lá cờ Tổ quốc trong số 25.000 lá cờ Tổ quốc đã ký kết.
Mong có thêm nhiều triệu lá cờ Tổ quốc
Ông Nguyễn Huy Thiêm, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Him Lam, chia sẻ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã lựa chọn Công ty CP Him Lam là một trong các đơn vị đồng hành với chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Chương trình được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước cũng như các doanh nghiệp trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mong chương trình không chỉ dừng lại ở một triệu lá cờ mà là nhiều triệu lá cờ nữa để hỗ trợ ngư dân bám biển, thành lập những cột mốc sống trên vùng biển của Tổ quốc".
Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ em thiếu may mắn
Ngày 28-5, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức lễ tổng kết năm học 2021-2022. Tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng Dũng, Trưởng Văn phòng miền Trung của Báo Người Lao Động, đã thay mặt Báo Người Lao Động trao 100 triệu đồng từ "Chương trình Học bổng hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số , học sinh nghèo" cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.
Chương trình này được nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khởi phát và lan tỏa khắp cả nước suốt nhiều năm qua. Năm 2022, Báo Người Lao Động được giao nhiệm vụ tiếp tục quản lý và thực hiện chương trình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn - gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động, các đơn vị, nhà hảo tâm trong khắp cả nước... đã ủng hộ Trung tâm trong suốt thời gian qua. Trong năm học 2021-2022, Trung tâm đã chăm sóc, dạy văn hóa, dạy nghề cho 114 em học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh. "Đối với các cháu học nghề, có tay nghề giỏi, Trung tâm sẽ hỗ trợ các cháu tái hòa nhập cộng đồng, tham gia làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Còn với những cháu ở lại, Trung tâm đã trả lương theo sản phẩm, có cháu nhận từ 1,6 - 2 triệu đồng/tháng từ các sản phẩm mình làm ra. Việc này dù nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, giúp các cháu thấy được ý nghĩa, tự tin trong cuộc sống khi hòa nhập cộng đồng" - bà Hà nhấn mạnh.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nhờ sự tâm huyết của ban lãnh đạo Trung tâm cùng tập thể giáo viên và sự giúp đỡ to lớn của các nhà hảo tâm, rất nhiều trẻ em khuyết tật được cho học văn hóa, học kỹ năng sinh hoạt, đào tạo nghề bài bản... Nhiều em đã tái hòa nhập với gia đình, xã hội; giảm gánh nặng cho gia đình... "Thay mặt UBND tỉnh Quảng Ngãi xin gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo Trung tâm, các nhà hảo tâm trên khắp cả nước" - ông Phiên nói.
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, được hình thành từ sự giúp đỡ ban đầu của cố nhà báo Võ Hồng Sơn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau gần 9 năm thành lập, bình quân mỗi năm, Trung tâm nuôi dạy 115 học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây đã trở thành mái ấm, ngôi nhà hy vọng để các em rèn luyện sức khỏe, phát triển năng khiếu, xóa dần mặc cảm, tự ti để vun đắp ước mơ, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Trong sáng 28-5, ngoài 100 triệu đồng do Báo Người Lao Động trao tặng từ chương trình Học bổng hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn cũng tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ từ các đại diện cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
T.Trực
Bình luận (0)