Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp, xung đột; trong khi lập trường của các nước ASEAN về biển Đông chưa nhất quán.
Trong lúc đó, với chiến thuật "Vùng xám" (phương thức tăng cường gây hấn, quấy rối nhưng dưới ngưỡng xung đột), Trung Quốc đã và đang làm căng thẳng, đe dọa đến môi trường hòa bình trong khu vực. Gần đây, thông qua "chiến thuật pháp lý Tứ Sa", Trung Quốc tiếp tục tăng cường hoạt động các lực lượng chấp pháp, tàu cá dân binh xuống khu vực biển DK1 - thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Bên cạnh đó, sự xoay trục chiến lược của Mỹ và hoạt động của một số nước trong khu vực có thời điểm đã đẩy nguy cơ xung đột và tranh chấp lên cao.
Thực tiễn trên cho thấy để bảo vệ trọn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển và trong khu vực; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực… đã và đang đặt ra nhiều thách thức.
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”
Xuất phát từ tình hình đó, chúng ta có thể xem xét một số giải pháp. Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của biển, đảo.
Phát huy công tác tuyên truyền biển đảo thực sự trở thành một phương thức, vũ khí sắc bén quan trọng góp phần cho đấu tranh ngoại giao, lấy được ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; góp phần khơi dậy niềm tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, ngành, các tầng lớp xã hội, kiều bào ta ở nước ngoài, tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Hai là, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống, hậu phương gia đình chính những người trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và cả những ngư dân, các hoạt động kinh tế biển khác.
Ba là, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, phối hợp xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển ngày càng vững chắc. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống các công trình quân sự; xây dựng các âu tàu, làng chài; các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ chủ trương dân sự hóa quần đảo Trường Sa; nâng cấp các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam...Việc duy trì thường xuyên các lực lượng quản lý biển, gắn kết với ngư dân cũng là phương thức phát huy thế trận quốc phòng toàn dân. Việc này nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, nhất là ở các vùng biển đang có tranh chấp nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Bốn là, tiếp tục có những cách nhìn mới bên cạnh nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, tích cực đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của các lực lượng bảo vệ chủ quyền.
Chi đội Kiểm ngư số 2 tuyên truyền pháp luật trên biển cho ngư dân
Bên cạnh đẩy mạnh, đầu tư, mua sắm vũ khí, trang bị hiện đại hóa, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu khảo sát, phát triển các căn cứ dự phòng lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa có thể trở thành căn cứ tác chiến; đẩy mạnh phát triển các lực lượng dân quân tự vệ biển về số lượng và chất lượng.
Những giải pháp đan xen khác là nâng cao trách nhiệm với lực lượng tham gia làm kinh tế, chấp pháp trên biển để chủ động quan sát, phát hiện, thông báo, xua đuổi tàu đánh cá, tàu thăm dò khai thác dầu khí của nước ngoài xâm phạm vùng biển của nước ta; tích cực đẩy mạnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các địa phương làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo trên biển, đặc biệt là cứu nạn biển xa, để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và tạo thiện cảm với người dân các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng và hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn, hướng tới xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định.
Đối ngoại quân sự là một trong những mắt xích góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và trên hướng biển thì đối ngoại quân sự Hải quân, Cảnh sát biển là chủ yếu. Theo đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với hải quân các nước trong khu vực; tăng cường đối ngoại quốc phòng với hải quân một số nước đối tác truyền thống; củng cố, phát triển quan hệ với hải quân các nước lớn các nước trên thế giới. Mặt khác, tiếp tục đầu tư đẩy mạnh phát triển lực lượng cứu hộ trên biển sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển trên biển khi các nước trong khu vực yêu cầu giúp đỡ.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng và kết hợp chặt chẽ các biện pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, pháp lý, ngoại giao và trên thực địa. Muốn bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thì không có cách nào khác là phải trông cậy vào thực lực của chính mình, trông cậy vào sự đoàn kết toàn dân trên mọi mặt trận.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của đất nước ta.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)