Đảo Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa. Mùa xuân 34 năm trước, những người lính trẻ trên hòn đảo này đã anh dũng chiến đấu chống lại sự xâm lăng để bảo vệ chủ quyền. Ngần ấy mùa xuân trôi qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân xã Sinh Tồn vẫn kiên cường bám đảo, giữ biển trời của Tổ quốc.
Vui xuân không quên nhiệm vụ
Thêm một năm đón Tết ở đảo Len Đao, Chính trị viên, thượng úy Lê Minh Khánh Hưng không xem đó là thiệt thòi vì phải xa đất liền và người thân yêu trong ngày Tết. Ngược lại, Hưng luôn tự hào với nhiệm vụ của mình. Anh bày tỏ: "Chúng tôi chỉ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ khi chủ quyền biển đảo được giữ vững. Ngày Tết nhớ quê hương, đất liền, người thân là lẽ tự nhiên. Nhưng tất cả đều gác lại, chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ giữ sự bình yên, vững chắc chủ quyền biển đảo lên hàng đầu".
Các chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Ảnh: MAI THẮNG
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên báo vụ Trần Quốc Khánh có lần thứ 7 đón Tết ở Trường Sa. Anh xem việc giữ vững "mạch máu" thông tin liên lạc là nhiệm vụ trọng yếu trong những ngày Tết. Để truyền thông tin tình hình an ninh biển đảo về sở chỉ huy đất liền, Khánh và một đồng đội thay phiên trực máy I-com 24/24 giờ. Những ngày Tết, biển Trường Sa có sóng to gió lớn, tàu thuyền nước ngoài đi lại trên biển nhiều hơn. Đại úy Khánh bảo: "Để kịp thời xác định "độ an toàn của mục tiêu lạ", ngoài nhìn mắt thường, chúng tôi sử dụng ống nhòm TZK quan sát mặt biển. Mở radar quét liên tục khi nghi ngờ có mục tiêu. Tất cả tàu thuyền, đặc biệt là "mục tiêu lạ" xuất hiện đều được phát hiện sớm từ xa, kịp thời xử lý, đăng ký, theo dõi và báo về sở chỉ huy đất liền nhanh nhất. Nhờ thường xuyên nêu cao cảnh giác, bám biển liên tục mà trong những ngày Tết, đảo Trường Sa nói chung và đảo Len Đao nói riêng bình yên vô sự. Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi đón Tết vui xuân".
Không nằm trong "múi biển" nhưng cùng chiến tuyến canh biển giữ trời thềm lục địa phía Nam, 15 nhà giàn DK1 được coi như "pháo đài thép" bảo vệ Tổ quốc từ phía chân trời.
Thiếu tá, y sĩ nhà giàn DK1/12 Phạm Văn Bảy cho biết trong những ngày Tết Nhâm Dần biển động sóng lớn nhưng tàu thuyền nước ngoài vẫn hoạt động trên đường hàng hải quốc tế. Để tránh bị bất ngờ và kịp thời xử ký các tình huống, nhà giàn duy trì trực sẵn sàng chiến đấu. "Các ca, kíp trực chủ động trực canh quan sát mặt biển, trên không, xử lý đúng đối sách trên biển, liên hệ chặt chẽ với tàu trực sẵn sàng cứu hộ - cứu nạn ngư dân và phòng chống dịch Covid-19" - thiếu tá Bảy nói.
27 năm thực thi nhiệm vụ trên các nhà giàn DK1, thêm một mùa xuân nữa trung tá Nguyễn Xuân Hà đón Tết giữa biển khơi. "Chúng tôi luôn xác định: Vui xuân mới không quên nhiệm vụ. Biển đảo luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Để chủ động xử lý tốt các tình huống, chúng tôi duy trì trực canh quan sát trên không dưới biển, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác" - trung tá Hà khẳng định.
Quyết tâm bảo vệ chủ quyền
Tết Nhâm Dần 2022 là cái Tết đáng nhớ trong đời binh nghiệp của rất nhiều chiến sĩ trẻ vừa nhận nhiệm vụ trên các đảo, nhà giàn.
Tại đảo Sinh Tồn, các chiến sĩ sửa sang nhà ở, lau chùi bàn ghế, trang trí bàn thờ Tổ quốc. Dưới tán bàng quả vuông, những sĩ quan "già" hướng dẫn lính trẻ gói bánh chưng, bánh tét vào đêm giao thừa. Họ quây quần bên nhau giữa trùng khơi sóng biển.
Binh nhất Thái Anh Sơn quê ở Nghệ An được "đàn anh" dạy gói bánh chưng, bánh tét. Cậu lính trẻ lóng ngóng gói chiếc bánh chưng đầu tay, tuy không vuông vức nhưng "đủ tiêu chí" chưng bàn thờ Tổ quốc. Sơn chia sẻ: "Đây là cái Tết đầu tiên xa gia đình, bố mẹ, người thân. Nhớ đất liền lắm nhưng cũng rất đỗi tự hào".
Quân và dân đảo Sinh Tồn gói bánh chưng đón Tết Ảnh: XUÂN TRƯỜNG
Đón Tết ngay trên đảo Sinh Tồn, hạ sĩ Nguyễn Tuấn Anh Đức thấy đời lính thủy cao đẹp và ý nghĩa vô cùng. Anh lính trẻ thường xuyên gọi điện về quê nhà ở Thái Bình chúc Tết bố mẹ, luôn miệng kể về cuộc sống của lính đảo Trường Sa.
Đức không quên chúc bố mẹ giữ gìn sức khỏe và hẹn ngày trở lại đất liền. Đức bộc bạch: "Ngày Tết, niềm vui và nỗi nhớ nhà xen nhau. Em cảm giác mình đang ở chân trời xa xôi nhưng lại rất gần gia đình. Tuy không được quây quần bên bố mẹ, người thân nhưng có các anh chỉ huy và đồng đội luôn bên cạnh".
Đêm giao thừa, trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn thắp nén hương thơm thành kính, nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, biển đảo yên bình, quốc thái dân an và không quên quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Tết cổ truyền đã qua, xuân Nhâm Dần vẫn đọng mãi trong tim những người lính nơi "chân trời" đất mẹ. Ở giữa trùng dương tít tắp ấy, các anh đang vững vàng tay súng canh giữ chủ quyền biển đảo cho cả nước đón xuân và sẵn sàng bước vào mùa huấn luyện mới trong niềm vui mới.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2, năm 2021-2022, được Báo Người Lao Động phát động từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tác phẩm dự thi là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh. Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động. Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Chi tiết về cuộc thi xem tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-20210829123949148.htm.
Bình luận (0)