Khi tiếng trống khai giảng rộn ràng vang lên trên khắp các ngôi trường ở đất liền thì ở đảo Bích Đầm - cách trung tâm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 5 km về phía Nam, tiếng trống quen thuộc cũng vang lên.
Những tiết học đầu tiên
Chúng tôi - giáo viên Trường THCS Bùi Thị Xuân (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) bắt đầu chuyến hải trình mang con chữ ra nơi đảo xa theo một cách thật đặc biệt.
Sáng thứ bảy, đúng 6 giờ 30 phút, các thầy cô cùng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Nha Trang và phường Vĩnh Nguyên đã có mặt tại cầu cảng để bắt đầu di chuyển ra đảo Bích Đầm.
Bích Đầm được biết đến là một trong những đảo xa nhất của vịnh Nha Trang, nằm trong cụm đảo Hòn Tre. Trên đảo Bích Đầm chỉ có trường mầm non và trường tiểu học. Sau khi hoàn tất bậc tiểu học, học sinh được bố mẹ đưa về đất liền để học tiếp THCS. Riêng những em không có điều kiện phải ở lại đảo, tạm gác ước mơ đến trường của mình.
Tác giả - thầy giáo Lê Đức Bảo trong một tiết dạy phổ cập môn ngữ văn cho học sinh trên đảo Bích Đầm
Thấy được niềm mong mỏi và sự cần thiết trong việc học tập của học sinh Bích Đầm, Phòng GD-ĐT TP Nha Trang đã tổ chức các lớp dạy phổ cập THCS trên đảo để đáp ứng nhu cầu của các em.
Vừa đặt chân lên đảo Bích Đầm, chúng tôi đã cảm nhận được sự bình dị, mộc mạc từ những ngôi nhà, ngư cụ, mái đình, con đường mang đậm nét đặc trưng của một làng chài; cả nụ cười ngây thơ cùng chút rụt rè của các em học sinh khi túm tụm ngồi trên các mỏm đá để chờ thầy cô từ đất liền ra. Có lẽ trên hòn đảo xa nhất của vịnh Nha Trang này, chính sự khó khăn, thiếu thốn càng thôi thúc các em học lấy con chữ để mai sau có nghề nghiệp ổn định.
Mỗi người phụ một tay mang sách vở, dụng cụ học tập và các phần quà về tập trung ở hội trường Đồn Biên phòng Bích Đầm để tổ chức một lễ khai giảng thật ý nghĩa cho các em. Thầy hiệu phó thay mặt Ban Giám hiệu Trường THCS Bùi Thị Xuân đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới. Cùng với đó là lời nhắn nhủ của ông Trần Nguyên Lập, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Nha Trang, với quyết tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất để thầy cô và 26 học sinh (lớp 6, 7, 8) đảo Bích Đầm có thể hoàn thành chương trình phổ cập với chất lượng cao nhất.
Học sinh đảo Bích Đầm chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài
Đến phần hội là những lời ca tiếng hát, những món quà nghĩa tình của tập thể giáo viên và học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân dành tặng học sinh đảo Bích Đầm, động viên các em vững bước đến trường. Sau lễ khai giảng, các em háo hức quay về trường để bắt đầu những tiết học đầu tiên.
Một trong những trở ngại mà cả thầy lẫn trò đều phải thích ứng là điện cung cấp trên đảo Bích Đầm rất hạn chế, một ngày chỉ khoảng 4 giờ, từ 17 đến 21 giờ. Ban ngày, điện cúp hoàn toàn nên việc dạy và học chủ yếu phụ thuộc ánh sáng mặt trời.
Ánh nắng cuối hè vẫn còn oi nóng nên khi trời đứng gió, cả thầy và trò cứ cầm những tấm bìa vở cũ mà quạt lấy quạt để. Lắm lúc đang say sưa giảng đến những nội dung hay và trọng tâm của bài học, dù mồ hôi ra ướt sũng nhưng thầy cô vẫn không ngừng lại vì dễ ngắt mạch tập trung của học sinh.
Với những phần ghi chép nhiều, giáo viên phải chủ động đến quan sát và điều chỉnh cách viết bài cho các em. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy vài em viết chữ nắn nót và rất đẹp. Trong lời khen ngợi của chúng tôi, một bạn nhỏ khoe: "Bạn Huyền từng đoạt giải trong cuộc thi "Vở sạch - chữ đẹp" cấp 1 đó thầy". Nghe vậy, tôi càng mến phục sự vượt khó của các em nhiều hơn.
Hào hứng, phấn khởi
Ngoài ngữ văn, tôi còn phụ trách thêm bộ môn lịch sử và địa lý theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Với chủ đề "Địa lý tỉnh Khánh Hòa", tôi đã mang chính vị trí địa lý́ của Bích Đầm vào bài giảng, truyền thêm cảm hứng về tình yêu biển đảo quê hương tại chính nơi mà các em đang sinh sống. Sau đó, tôi mở rộng ra các hòn, các đảo nằm trong vịnh Nha Trang xinh đẹp và cả quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Các thầy cô tham gia giảng dạy phổ cập THCS tại đảo Bích Đầm. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Từng lời giảng bài say sưa của tôi được học sinh đón nhận bằng nét mặt chăm chú và ánh mắt tự hào. Tôi có thể cảm nhận rất rõ điều đó vì khi tiếng trống báo hiệu kết thúc giờ học buổi sáng vang lên, các em tiếc nuối và chưa muốn rời lớp. Tôi phải động viên và hứa sẽ kể những câu chuyện hay vào tiết học buổi chiều thì các em mới chịu ra về. Cùng lúc đó, chúng tôi cũng tranh thủ về nhà công vụ ăn cơm trưa và chợp mắt để chiều dạy tiếp.
Các tiết học buổi chiều diễn ra sớm hơn để tránh trời tối, thiếu ánh sáng. Có những lớp học, do thầy cô mải mê giảng bài để các em nắm kiến thức kỹ hơn mà trời đã nhá nhem tối khi nào cũng không hay.
Sinh hoạt ở đảo xa cũng khiến giáo viên thay đổi thói quen của mình. Chúng tôi tắm rửa sớm để tránh cúp nước, dùng cơm sớm lúc còn ánh sáng ban ngày. Giấc ngủ của thầy cô cũng đến sớm hơn để sáng tinh mơ thức dậy, chúng tôi cùng nhau chạy bộ trên con đường ven biển ngắm cảnh bình minh và hòa mình vào dòng nước mát lành.
Sáng chủ nhật, chúng tôi cũng phải lên lớp theo đúng thời khóa biểu. Vẫn là không khí hào hứng lan tỏa trong lớp, cả thầy lẫn trò phấn khởi bắt đầu tiết học.
Tranh thủ đầu giờ chiều, với những môn chưa dạy xong trong buổi sáng, chúng tôi hoàn thành nốt để kết thúc tuần học đầu tiên. Lúc này, nét mặt của các em ẩn chứa sự buồn bã và hụt hẫng. Các em biết sắp phải tạm biệt thầy cô vì chúng tôi phải trở lại đất liền. Các em phải chờ đợi thêm một tuần nữa để được gặp thầy cô khác luân phiên ra đảo dạy.
Khi tạm biệt thầy cô, một số em tặng chúng tôi những mẩu vỏ ốc hình thù thú vị hay những viên đá lấy từ biển có nhiều màu sắc để kỷ niệm. Nếu không mạnh mẽ và kiềm chế thì có lẽ tôi đã bật khóc vì tình cảm yêu mến của các em dành cho thầy cô trong khoảnh khắc tạm chia tay.
Con tàu từ từ rời đảo Bích Đầm, tôi và đồng nghiệp đứng lặng dõi theo những cánh tay bé nhỏ của các em vẫy chào tạm biệt. Khát khao học tập của các em khiến chúng tôi có thêm động lực và lý do để sẵn sàng tình nguyện ra đảo xa dạy học thường xuyên hơn.
Bình luận (0)