Chủ quyền không thể tranh cãi
Việt Nam có một vùng biển rộng lớn trên 1 triệu km2, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa (huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô, bãi đá ngầm. Mặc dù đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng quần đảo Hoàng Sa vẫn đang trong nằm trong vòng tranh chấp của Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan - Trung Quốc.
Kể từ sau hải chiến Hoàng Sa 1974, Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo này.
Chiến sĩ trẻ ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa thân yêu. Ảnh: QUANG LIÊM
Quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và có tiềm năng dầu mỏ và khí đốt. Cũng giống như Hoàng Sa, quần đảo này của Việt Nam đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Các quốc gia, vùng lãnh thổ trên ngang ngược tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.
Nhìn lại lịch sử, có thể khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Trong 24 bộ sách dư địa chí Trung Quốc từ thời Hán đến thời Thanh của các nhà khoa học, nhà lịch sử (quốc tế và Việt Nam), đều không ghi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Trong khi đó, các thư tịnh, bản đồ cổ của các nhà tư bản, các cố đạo phương Tây đều ghi nhận hai quần đảo này là của Việt Nam, đặc biệt ghi chép nhiều lần Chúa Nguyễn cứu trợ những người mắc nạn trên 2 đảo. Trong các thư tịch cổ lưu giữ tại cố đô Huế cũng ghi chép về sự thành lập "đội Hoàng Sa"; các chỉ dụ chỉ đạo việc bố phòng canh giữ… của các đời vua nhà Nguyễn. Bản đồ chủ quyền của Pháp khi xâm lược Việt Nam cũng quy hoạch rõ có việc sở hữu hai quần đảo thuộc Việt Nam.
Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, Trung Quốc là một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tham dự, cũng thừa nhận phần Nam vĩ tuyến 17, bao gồm lục địa biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Trước sau như một, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử chủ quyền đối với cả Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trách nhiệm thiêng liêng của giới trẻ
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt hiện nay. Trách nhiệm thiêng liêng này thuộc về mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, trong đó trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò xung kích thuộc về thế hệ trẻ. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển bền vững hiện nay và trong tương lai.
Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thuộc về mỗi công dân Việt Nam, trong đó có trách nhiệm, nghĩa vụ và vai trò xung kích của thế hệ trẻ. Ảnh: QUANG LIÊM
Để thế hệ trẻ làm tốt việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền biển, đảo, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo.
Công tác tuyên truyền biển, đảo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho thanh niên cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ, đặc điểm của từng địa bàn nhằm đáp ứng thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đồng thời, tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền; lập ra các hội nhóm trên mạng xã hội để giới trẻ cùng nhau chia sẻ và nghiên cứu những vấn đề xoay quanh việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để từ đó có cái nhìn khách quan và đúng đắn nhất về chủ trương, đường lối của Đảng đối với chủ quyền biển đảo; phản bác lại những luận điệu tuyên truyền sai trái của Trung Quốc.
Đồng thời, cần tổ chức cho thanh niên tham gia tìm hiểu về pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế để các thế hệ thanh niên hiểu và nắm vững các vùng, khu vực thuộc chủ quyền có lịch sử lâu đời của Việt Nam, cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam được xác lập trên cơ sở các điều khoản quy định trong UNCLOS 1982; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thứ hai, cần có sự quan tâm và chính sách đãi ngộ cụ thể đối với thanh niên khi tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đầu tư cho những học giả trẻ, các bạn trẻ ở Việt Nam những môi trường nghiên cứu chuyên sâu, như xây dựng những viện nghiên cứu chiến lược biển Đông. Cùng với đó, liên kết những học giả trẻ, nhiệt huyết để tạo ra được những ấn phẩm quốc tế, giúp phản biện lại những bài viết xuyên tạc của những học giả người nước ngoài. Những ấn phẩm đó có thể định vị dưới dạng bản mềm để mọi người ở khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và nên được viết bằng song ngữ.
Nhà nước nên có những chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện để phát huy vai trò xung kích của thanh niên, sẵn sàng cống hiến tri thức, sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của nước nhà.
Gần 500 năm trước, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo chiến lược: "Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình". Và khi về thăm lực lượng Hải quân năm 1961, Bác Hồ kính yêu cũng căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
Những lời dạy đó luôn nhắc nhở chúng ta hôm nay phải luôn ghi nhớ, không được lơ là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiệm vụ này sẽ đặt lên vai của giới trẻ - thế hệ vàng của đất nước.
Bình luận (0)