Thế giới đang trải qua thời kỳ thay đổi với một trật tự thế giới mới đã và đang hình thành, chi phối toàn bộ sự vận động của đời sống chính trị toàn cầu. Đặc điểm nổi bật ở trật tự mới là Mỹ với tư cách siêu cường và Trung Quốc với tư cách cường quốc mới nổi đều mong muốn giành nhiều ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Khu vực biển Đông được Trung Quốc xác định có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng để thực hiện tham vọng bá quyền. Đó là tham vọng trở thành cường quốc biển, gia tăng ảnh hưởng, tránh sự bao vây, cô lập từ Mỹ và đồng minh. Thực tiễn cho thấy chiếm giữ trái phép, quân sự hóa các đảo và bãi đá ngầm ở biển Đông là bước đầu tiên trong chiến lược "Ba chuỗi đảo" của cố Đô đốc Lưu Hoa Thanh, Tư lệnh Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, từng vạch ra cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ hơn 30 năm về trước. Mục tiêu chính là chiếm giữ trái phép, xác lập chủ quyền các đảo, bãi đá ngầm ở 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam; từ đó tạo sức mạnh, gia tăng ảnh hưởng ra chuỗi đảo thứ hai, thứ ba ở Thái Bình Dương.
Lực lượng Hải quân Việt Nam ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa Ảnh: QUANG LIÊM
Đó là lý do mà hành động của Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở biển Đông. Ngày 22-1-2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân toàn quốc - cơ quan quyền thường trực, quyền lực cao nhất của Quốc hội Trung Quốc - thông qua Luật Hải cảnh. Nội dung chính của đạo luật phi lý này là việc Trung Quốc tự cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ lực đe dọa tàu nước ngoài. Sự kiện này đẩy tình trạng tranh chấp ở biển Đông sang một chương mới. Trung Quốc công khai phát đi một tín hiệu rất hiếu chiến, buộc các nước ở khu vực Đông Nam Á phải có chiến lược mới để giải quyết tranh chấp. Điều này có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình, gây bất ổn khu vực.
Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đang bất chấp vi phạm những thỏa ước, luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những bất ổn, xung đột, mâu thuẫn giữa các quốc gia. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á lại có quan hệ rất thân thiết về kinh tế, lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc.
Do đó, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, việc đề ra chiến lược lâu dài, phù hợp, khéo léo để giải quyết vấn đề về biển đảo là yêu cầu cấp thiết. Chúng ta không thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giải quyết tranh chấp bằng con đường quân sự. Thay vào đó, theo tôi, chúng ta cần xác lập chiến lược lâu dài dựa trên 3 trụ cột sau đây:
Thứ nhất, về chính trị: Năm 2015, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã phán quyết Trung Quốc không có các quyền lực với cái gọi là "đường chín đoạn". Thông điệp của phiên tòa đã cho cả thế giới thấy sự phi lý và bất chính của Trung Quốc trong cái gọi là chủ quyền Đông Sa, Tây Sa và Nam Sa ở khu vực biển Đông.
Việt Nam và các quốc gia có tranh chấp tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo, tạo sự đồng thuận cao nhất giữa các quốc gia có tranh chấp, tập hợp một sức mạnh, đưa vấn đề biển Đông ra nhiều diễn đàn song phương và đa phương trên thế giới, đặc biệt là trong các phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Thứ hai, về kinh tế: Việt Nam tích cực cải cách kinh tế, thay đổi mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp với xu hướng phát triển của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Trong đó, nổi bật là chuyển trọng tâm từ chiến lược lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng sang chiến lược tập trung vào tiêu thụ từ thị trường trong nước, tránh lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Một quốc gia có sức mạnh kinh tế sẽ là nền tảng để thúc đẩy, tăng cường sức mạnh quân sự trong việc giữ và giành lại chủ quyền biển đảo. Không những vậy, một mô hình kinh tế không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ tránh cho Việt Nam bị ảnh hưởng từ yếu tố kinh tế thành quyết sách chính trị.
Thứ ba, về ngoại giao: Trong tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Hiện tại chỉ có 4/10 quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng khi đàm phán thì tất cả 10 nước đều có tiếng nói về vấn đề tranh chấp.
Đây là sự bất cập vì rất nhiều nước không có tranh chấp nhưng lại có quan hệ kinh tế rất thân thiết, có phần lệ thuộc Bắc Kinh. Vì vậy, nhiều quốc gia sẽ có cái nhìn và quyết sách chủ quan vì lợi ích đất nước, bất chấp lợi ích chung của toàn khối ASEAN. Thực tế đặt ra cho 4 nước hiện có tranh chấp là cần thay đổi cơ chế tiếp cận, đề ra chiến lược chung, tiếng nói chung và hành động chung về kinh tế, ngoại giao và hợp tác quốc phòng, giữ gìn an ninh hàng hải.
Trong bối cảnh tình hình mới có nhiều thời cơ, thách thức, khó khăn đan xen, chúng ta cần nắm bắt cơ hội, đề ra chiến lược dài hơi để thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.
Mời bạn đọc thi viết về biển đảo
Cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021 do Báo Người Lao Động tổ chức diễn ra từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021. Lễ trao giải dự kiến tổ chức vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), gồm 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
Báo Người Lao Động trân trọng mời bạn viết tham gia cuộc thi. Nội dung, thể lệ cuộc thi và các quy định xem chi tiết tại: https://nld.com.vn/ban-doc/hap-dan-cuoc-thi-viet-ve-chu-quyen-bien-dao-20200803210847858.htm. Tác phẩm dự thi gửi về Tòa soạn Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; email: chuquyenbiendao@nld.com.vn.
Bình luận (0)