xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cứu tinh của ngư dân

Bài và ảnh: KỲ NAM

Vay vốn đầu tư con tàu hơn 23 tỉ đồng với công suất 1.200 CV, thuyền trưởng Cao Văn Thơ mong mỏi được đồng hành, hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển

Thuyền trưởng Cao Văn Thơ (SN 1966; trú phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là Ủy viên Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường. Ông là đội trưởng của một nhóm 10 tàu đánh bắt xa, được xem như gương điển hình về đoàn kết ngư dân trên biển.

Tâm nguyện cứu người

Tiếp chúng tôi tại xưởng sửa chữa tàu, chốc lát, ông Cao Văn Thơ lại đến bên con tàu KH 91054 TS đang được nhóm công nhân sửa chữa. Con tàu này bị tông chìm ở Trường Sa vào giữa tháng 6 vừa qua, được "tàu cứu hộ" công suất 1.200 CV của ông lai dắt.

Nhìn thân tàu bị tông, ông Thơ chặt lưỡi: "Con tàu này đóng gỗ tốt chứ không là gãy đôi rồi. Bây giờ kiếm gỗ khác cũng khó đây".

Cứu tinh của ngư dân - Ảnh 1.

Ông Cao Văn Thơ bên con tàu KH 91054 TS bị chìm ở Trường Sa được lai dắt về bờ, đưa lên xưởng sửa chữa

Ngoài chỉ huy 10 tàu đánh bắt xa bờ, ông Thơ chuyên đi lo chuyện "bao đồng", hỗ trợ tàu bạn gặp nạn.

Ngược thời gian, ông Thơ nhớ lại vào năm 2008, khi đang đánh bắt ở vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 300 hải lý, tàu của ông bất ngờ bị gãy hộp số, thả trôi tự do trên biển. "Vài ngày lênh đênh trên biển, tuyệt vọng tăng dần thì bất ngờ một tàu bạn đi ngang qua kịp thời ứng cứu. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì mình và anh em đi bạn được cứu. Đó là ân tình và sau vụ việc này, tôi tâm niệm rằng người khác gặp nạn cũng giống như mình gặp nạn vậy, rất mong có người đến ứng cứu kịp thời. Đó là lý do tôi đầu tư con tàu công suất lớn, không chỉ để đánh bắt mà còn hỗ trợ bà con ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển" - ông Thơ bộc bạch.

Năm 2019, ông Thơ vay vốn từ chương trình hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ để đóng con tàu 1.200 CV bằng chất liệu composite. Ông cho biết số tiền đổ vào con tàu này lên đến 23 tỉ đồng. Sở dĩ nó có giá trị như vậy vì ông yêu cầu đơn vị đóng tàu thiết kế thêm chức năng cứu hộ, cứu nạn. "Trên tàu lúc nào cũng phải chuẩn bị đủ phương tiện, thiết bị, nước, ga,… để sẵn sàng thực hiện việc ứng cứu, lai dắt tàu bạn. Kể từ khi đóng xong, việc cứu tàu gặp nạn thuận lợi hơn rất nhiều vì tàu công suất lớn, tốc độ nhanh, máy móc hiện đại" - ông Thơ "khoe".

Lao vào tâm bão

Sau khi có tàu "xịn", từ năm 2020 đến nay, ông Thơ đã tham gia cứu 4 tàu bị chìm và 2 tàu chết máy ngoài khơi.

Tháng 9-2021, khi đang đánh bắt ở vùng biển Trung Trung Bộ, ông Thơ nhận được tin có tàu bị chết máy cách đó khoảng 150 hải lý. Chủ nhân của tàu gặp nạn này là ông Lê Khuân, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Cứu tinh của ngư dân - Ảnh 2.

Tàu KH 91054 TS được ông Cao Văn Thơ cùng nhóm thợ trục vợt

Lúc này, tin báo ở vùng biển Philippines có áp thấp chuẩn bị hình thành bão lớn và tiến thẳng đến con tàu gặp nạn. Thay vì chạy về đất liền nơi neo đậu, ông Thơ cho tàu chuyển hướng chạy về phía tâm bão. Khi tàu của ông Thơ tới nơi cũng là lúc tàu của ông Khuân đã bị thả trôi tự do 3 ngày 3 đêm. Không thể diễn tả hết niềm vui của ngư dân gặp nạn. Nhưng ngay khi họ mặc áo phao chuẩn bị nhảy xuống biển để bơi qua tàu của ông Thơ thì bị ông quát mắng: "Nếu anh em bỏ tàu bơi qua tôi sẽ không cứu. Tôi đã ra đến đây là muốn cứu cả người lẫn tàu. Tôi đã ra đây là chấp nhận sống cùng sống, chết cùng chết. Anh em bình tĩnh ở trên tàu để tôi tiếp cận lai dắt tàu về".

Đến giờ, ông Khuân vẫn thường xuyên liên lạc với ông Thơ, xem thuyền trưởng của Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường như cứu tinh.

Một lần khác, thuyền trưởng Cao Văn Thơ cứu tàu gặp nạn thành công là vào năm 2022. Lúc ấy, khoảng 23 giờ, ông Thơ nhận được tin báo tàu cá của ông Nguyễn Văn Lầu (ngụ TP Nha Trang) gặp nạn ngoài khơi. Lập tức, ông cùng 3 ngư dân lên đường ứng cứu. "Chúng tôi chỉ kịp ôm thùng mì tôm lên tàu. Tàu thì sẵn nước, sẵn ga rồi, đói thì nấu mì tôm. Tuy vất vả nhưng khi nhìn những ngư dân vui mừng được cứu, nhìn chiếc tàu gặp nạn được đưa về bờ an toàn thì mọi người đều rất vui mừng" - ông Thơ trải lòng.

Hết lòng vì ngư dân

Mới đi biển về được 2 ngày thì sáng 14-6, ông Thơ nhận tin báo tàu KH 91054 TS gặp nạn tại khu vực biển cách cảng Hòn Rớ khoảng 140 hải lý (hơn 300 km). Ngay lập tức, ông huy động thêm 4 ngư dân ra khơi, mất khoảng 17 giờ thì tới nơi tàu gặp nạn.

Ông Nguyễn Thiện, chủ tàu KH 91054 TS, cho biết khi tàu của ông đang kéo lưới thì bị một tàu hàng tông. Chỉ 7 phút sau, tàu ông Thiện bị chìm, 10 ngư dân may mắn được tàu cá của ông Văn Đức Tuấn đang đánh bắt gần đó cứu vớt. Tuy nhiên, tàu của ông Tuấn công suất nhỏ không thể kéo tàu bị nạn nên phải nhờ đến tàu của ông Thơ.

Đến ngày 17-6, sau 3 ngày đêm lai dắt, tàu ông Thiện được đưa về Nha Trang. Ngay sau đó, ông Thơ bắt tay vào việc trục vớt tàu để đưa vào bờ sửa chữa. Phải mất 4 ngày, nhóm thợ lặn mới tháo hết giàn lưới bị gãy, mắc ở thân tàu. Khoảng 5 tấn hải sản bị ươn thối, việc lặn vào đưa ra như "cực hình". Sau khi làm rỗng thân tàu, nhóm thợ dùng 50 thùng phi nhựa làm nổi tàu lên, sau đó mới kéo lên xưởng để sửa.

Chứng kiến việc sửa tàu gặp nạn, ông Kiều Văn Thuận, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường, nói rằng ông Cao Văn Thơ là ngư dân tiêu biểu, luôn hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ bà con ngư dân.

Theo ông Thuận, trước khi thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường, ông cùng với ông Thơ lập "Tổ tự nguyện" nhằm vận động, quyên góp tiền hỗ trợ các chủ tàu gặp nạn, thiệt hại về người và tài sản. Có những gia đình nhờ ông Thơ nỗ lực vận động được hỗ trợ đến 100 triệu đồng, giúp sửa tàu nhanh chóng để trở lại ngư trường, vươn khơi bám biển.

Một đoàn viên của Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Trường nói: "Khi nghe tin tàu cá gặp nạn, dù đang ở bờ hay đánh bắt ngoài khơi, anh Thơ đều bỏ hết việc, tìm cách tiếp cận, ứng cứu nhanh nhất. Trong mắt ngư dân đánh bắt xa bờ, anh ấy như người cứu hộ chuyên nghiệp vậy". 

"Để đóng được con tàu công suất lớn, trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại phải tốn rất nhiều tiền. Khó có ai làm được chuyện bao đồng như anh Thơ, bỏ cả núi tiền để lo thêm việc cứu nạn cho ngư dân".

Ông LÊ ĐÌNH KHIÊM

(Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo