Trong hàng chục năm trở lại đây, việc khai quật và phát hiện dấu tích người Việt tại quần đảo Trường Sa gây sự chú ý mạnh mẽ của giới khoa học, sử học và khảo cổ học. Các cuộc thám sát, khai quật diễn ra trong các năm 1994, 1995, 1999 với những hiện vật thu được hết sức đa dạng và phong phú, có giá trị lịch sử vô cùng to lớn.
Cư trú lâu đời trên đảo
Trên đảo Nam Yết, các nhà khảo cổ học phát hiện trong số hiện vật khai quật có cả bếp lửa, than củi… chứng minh dấu vết cư trú của người Việt xưa. Ở đảo Trường Sa Lớn, các nhà khảo cổ tìm thấy 331 hiện vật, trong đó có 24 mảnh gốm xám, xốp. Các đặc điểm tiêu biểu cho hiện vật là xương gốm làm từ đất có pha bã thực vật, cát nên nhỏ, nhẹ, thô mỏng. Đáng chú ý là có cả hiện vật chì lưới, thể hiện cuộc sống ngư nghiệp của cư dân Việt thời trước. Về đồ sành sứ, có trên 60 hiện vật với nhiều kiểu hình, dáng, hoa văn trang trí. Trên các lon, vại, bình, vò... được làm mịn chắc, có màu đỏ hoặc xám đen với các họa tiết hoa văn sóng nước, khuông nhạc, vặn sừng hết sức tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao.
Khai quật khảo cổ học ở đảo Trường Sa Lớn. (Nguồn: khaocohoc.gov.vn)
Trên đảo Song Tử Tây, hiện vật phát hiện rất có giá trị là 16 đồng tiền kim loại có hình tròn, lỗ vuông, lưu hành dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) và vua Tự Đức (1847-1883). Còn tại các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn là nhiều đồ sành như: bát, cốc chén, tách trà... cùng hàng trăm hiện vật có giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa thu được từ các tầng, lớp khác nhau.
Quá trình khai quật và các hiện vật thu được chứng tỏ đã có một quá trình cư trú, sinh sống ổn định, bền vững và liên tục của cư dân người Việt trên quần đảo Trường Sa. Điều đó thể hiện ở các hiện vật tìm thấy có nhiều niên đại, thời kỳ khác nhau của dòng chảy lịch sử. Có những hiện vật được xác định niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ VII sau Công nguyên như nhóm đồ sứ không hoa lam, men tro, xương thô khai quật ở Trường Sa Lớn hay hiện vật là đồ đất nung với những dấu tích của bếp lửa, vỏ ốc nướng, mảnh bát đĩa được xác định vào khoảng thế kỷ VII-XI sau Công nguyên.
Đồ gốm men phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết. (Nguồn: khaocohoc.gov.vn)
Ngoài ra, trong số các hiện vật thu được, có 3 hiện vật khá đặc biệt làm từ cao lanh, xương dày, thân có văn hoa nổi hình cánh sen, men màu xanh kiểu men ngọc... được giới chuyên môn giám định có cùng niên đại với các hiện vật tìm thấy từ chiếc tàu chìm tại đảo Phú Quốc, tức có niên đại thế kỷ XIII-XIV. Với nhóm hiện vật đồ gốm sứ hoa lam và đồ sành sứ khác nằm trong cùng một địa tầng, được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ XV-XVIII. Đặc biệt, các hiện vật thu được tại di chỉ Nam Yết rất đồng bộ và đồng niên đại, khoảng thế kỷ XV-XVIII. Có hiện vật thu được tại đảo Sinh Tồn, Sơn Ca được xác định là đồ sứ sản xuất tại đất Gia Định vào thời nhà Nguyễn từ thế kỷ XVIII trở lại đây.
Giá trị lịch sử to lớn
Rõ ràng, các hiện vật đã phản ánh quá trình liên tục, nhất định trong đời sống của ngư dân đất Việt trong chiều dài lịch sử của đất nước. Những hiện vật, dấu vết còn lại chính là giá trị lịch sử, văn hóa mà tiền nhân đã để lại cho dân tộc chúng ta. Nhiều nhà sử học cho rằng đó là "những mảnh vỡ hoàn hảo", là sợi dây lịch sử bền vững xuyên suốt qua không gian, thời gian, qua những thăng trầm, thay đổi của thiên nhiên.
Qua khảo cổ, các nhà sử học đã xác định được các cư dân người Việt sinh sống ở Trường Sa là rất sớm, chí ít cũng phải từ thời nhà Trần và liên tục định cư, sinh sống ở đây trong các giai đoạn thời kỳ sau. Cũng qua các hiện vật thu được và dựa vào căn cứ sử học, xã hội học cho ta thấy có sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cư dân trên đảo với cư dân đất liền từ thuở sơ khai đến ngày nay.
Nhiều nhà sử học cũng cho rằng có thể những cư dân đầu tiên ở Trường Sa là kết quả của các cuộc di dân, tìm đất mới thời cổ xưa. Hoặc là các ngư dân đi biển trôi dạt vào và khai phá đất đai, tạo lập cuộc sống mới. Dù gì đi nữa, không ai phủ nhận rằng những cư dân người Việt đầu tiên đã đem tính cách Việt, văn hóa Việt và một phần lịch sử nước Việt hiện diện ở nơi này và trở thành hiện vật lịch sử theo thời gian.
Đa số hiện vật thu được đều rất gần gũi, đồng loại với hiện vật thu được từ các di chỉ trong đất liền, vùng ven biển và các đảo, quần đảo ven bờ ở khu vực chung quanh như Trà Kiệu (Quảng Nam), Xuân Giang (Hà Tĩnh), Biên Hòa (Đồng Nai), Gia Định cũ (TP HCM). Thậm chí, nhiều hiện vật có cùng niên đại, đồng loại với những gốm ở di chỉ Thanh Lãng (Vĩnh Phú), Hợp Lễ (Hải Hưng)... Tất cả hiện vật, di vật đó đã xác nhận chúng thuộc nền văn hóa Việt, thuộc về những tộc người tổ tiên của chúng ta đã và đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam hiện tại. Ngoài ra, chúng còn chứng tỏ từ xa xưa đã có sự thống nhất và giao lưu buôn bán kinh tế, văn hóa, đời sống của các cư dân cư trú trên các vùng đất, đảo thuộc lãnh thổ nước Việt.
Đó là những bằng chứng có giá trị hết sức to lớn, giúp chúng ta nhận diện lịch sử chính xác và đầy đủ, khoa học và phục vụ cho lợi ích lâu bền của đất nước.
Góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia
Qua các cuộc khai quật đó, chúng ta đã tìm được những chứng tích khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt trong lịch sử. Đồng thời, nó còn là tư liệu góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Nói như GS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam: "Dấu tích khảo cổ kết hợp với tư liệu Hán Nôm, lịch sử khẳng định sự có mặt sớm và liên tục của người Việt ở Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là dấu vết không thể chối cãi về chủ quyền của người Việt với hai quần đảo này và biển Đông"...
Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
. Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
. Thể loại:
- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
. Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
. Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
. Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
. Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
. Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Tòa soạn
Bình luận (0)