Ban Tổ chức cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 3 (năm 2022-2023) và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 2 (năm 2022-2023) vừa trình Hội đồng chấm giải danh sách các tác phẩm vào vòng chung khảo để tiến hành chấm giải theo quy định.
Viết bằng cả trái tim
Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 3 được phát động từ ngày 23-6-2022, thu hút gần 250 tác phẩm dự thi. Trong đó có 38 tác phẩm được Ban Tổ chức thẩm định, chọn đăng từ ngày 7-10-2022 đến ngày 2-7-2023.
Từ ngày 4 đến 14-7, Tổ sơ khảo đã tiến hành thẩm định, chấm điểm, chọn ra 15 tác phẩm có số điểm cao nhất vào vòng chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, đáp ứng các tiêu chí của cuộc thi. Các tác phẩm phản ánh đa dạng, sinh động về thực tiễn đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bức ảnh “Quê hương là gì hỡi mẹ?” thuộc bộ ảnh “Tổ quốc trong tim” của tác giả Ninh Mạnh Thắng
Hầu hết tác phẩm vào vòng chung khảo có chất lượng khá. Trong đó, một số tác phẩm được viết dưới dạng bình luận, phóng sự, bút ký, ký sự… thể hiện sự đầu tư cao của tác giả. Bên cạnh đó, một số tác phẩm viết về người thật, việc thật qua lối kể chuyện chân thật, giàu cảm xúc của tác giả giúp thông tin chuyển tải đến độc giả mềm mại, gần gũi hơn.
Đó là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Cháu, mẹ liệt sĩ Lê Đức Hồng (hy sinh trong vụ sập nhà giàn DK1/6 do cơn bão Fathes gây ra vào năm 1998), được tác giả Mai Thắng kể lại qua tác phẩm "Đêm mơ thấy con về". 24 năm qua, người mẹ này luôn đau đáu nỗi nhớ con. Bà tin linh hồn con trai đã hóa thành hoa sóng, giữ bình yên cho biển trời Tổ quốc.
Đó là câu chuyện về cựu binh Nguyễn Văn Lai, từng tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Qua cựu binh này, tác giả Lê Khánh, một giáo viên dạy văn ở TP HCM, đã làm "sống lại" giai đoạn đấu tranh ác liệt, sự anh dũng chiến đấu, hy sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Tây Nam những năm 1980. Điều mà tác giả muốn chuyển tải đến bạn đọc, đó là: "Tổ quốc - hai tiếng gọi thiêng liêng, khi bờ cõi biên cương bị xâm phạm thì chúng ta hãy đứng lên vì độc lập, tự do của dân tộc, vì chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ".
Hay đó là những câu chuyện của người mẹ nhắn nhủ với con trẻ: "Mẹ và con hãy tạm "nhường" cha cho Tổ quốc một thời gian ngắn nữa thôi, để mai đây cha sẽ trở về đưa con đi thăm thú khắp mọi miền Tổ quốc, kể con nghe những câu chuyện giữa lòng đại dương (tác phẩm "Hãy tạm "nhường" cha cho Tổ quốc", tác giả Nguyễn Thị Trang); của người vợ trẻ khi trở lại đảo Song Tử Tây tìm chồng thì "mọi thứ nhòe đi trước mắt, tôi òa khóc khi một đồng đội của anh báo tin anh đã hy sinh trên biển trong khi làm nhiệm vụ" (tác phẩm "Gửi anh của em…", tác giả Hoàng Thị Thùy Dương); của cô gái trẻ nhớ về người lính Trường Sa: Các anh - những người lính Trường Sa - gánh trên vai sứ mệnh quan trọng giữ cho biển đảo quê hương luôn bình yên, cho đất trời vẹn toàn chủ quyền, cho mọi người ngủ giấc ngon lành... (tác phẩm "Gửi Trường Sa muôn vàn yêu thương", tác giả Hòa Bình)…
Thông qua tác phẩm, các tác giả mong muốn được gửi gắm tình yêu đất nước, niềm tin vào công cuộc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Góc nhìn mới lạ về cờ Tổ quốc
Tiếp nối thành công cuộc thi lần 1, cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 2 do Báo Người Lao Động phát động thu hút đông đảo bạn đọc dự thi. Từ hơn 1.100 ảnh dự thi của hơn 300 tác giả trên cả nước, Ban Tổ chức đã chọn đăng gần 300 bức ảnh, trên 41 số báo. 15 tác phẩm đạt điểm cao nhất đã được chọn vào vòng chung khảo.
Bức ảnh “Đường đến thao trường” của tác giả Trương Minh Điền
Trong 15 tác phẩm vào chung khảo có 6 bộ ảnh và 9 ảnh đơn. Các tác phẩm đã bám sát chủ đề của cuộc thi. Đó là hình ảnh lá cờ thiêng liêng tung bay trên đỉnh cột cờ tại Hà Giang, Hà Nội, Lý Sơn, Huế, Cà Mau… qua bộ ảnh "Những điểm cờ thiêng liêng" (Nguyễn Xuân Tư), "Tổ quốc trong tim" (Ninh Mạnh Thắng). Lá cờ còn gắn với hình ảnh quê hương tươi đẹp, rực rỡ sắc màu trong các tác phẩm như: "Về miền di sản" (Lê Đình Hoàng) , "Việt Nam quê hương tôi" (Khánh Phan), "Check in Sống Khủng Long" (Nguyễn Minh Dân), "Bản nhỏ bình yên" (Vũ Phi Long)…
Hình ảnh ngư dân trên những chiếc thuyền có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong bức ảnh "Những cột mốc trên biển đông ngày tránh bão" (Nguyễn Khoa Huy) không chỉ mang ý nghĩa vươn khơi bám biển làm kinh tế mà đó còn chính là những cột mốc chủ quyền trên biển.
Đặc biệt, các bức ảnh, bộ ảnh "Đường đến thao trường" (Trương Minh Điền), "Hào khí miền Đông" (Nguyễn Trung Trực), "Tình quân dân" (Nguyễn Hữu Thông), "Sắc màu Tổ quốc" (Hồ Thanh Thọ)… khắc họa hình ảnh người lính giữa thời bình không chỉ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ đất nước mà còn gắn bó máu thịt với nhân dân khi khám chữa bệnh hay giúp đỡ người dân gặp khó khăn.
15 bức ảnh về Quốc kỳ vào vòng chung khảo đã nêu bật lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Các tác giả đã thể hiện sự đầu tư kỳ công, tìm tòi những góc nhìn mới lạ về cờ Tổ quốc, ghi lại những khoảnh khắc không thể nào quên.
Từ ngày 15-7, Hội đồng chấm giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 3 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 2 tiến hành chấm giải để chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, với mỗi cuộc thi dự kiến có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Hội đồng chấm giải gồm: Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - Chủ tịch hội đồng; nhà báo - tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng; ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, Phó Chủ tịch hội đồng; nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM, thành viên; nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn - thành viên.
Tham gia hội đồng chấm giải năm nay còn có Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và phó giáo sư - tiến sĩ Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.
Đồ họa: CHI PHAN
Bình luận (0)