Lý Sơn là huyện đảo nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Diện tích của huyện 10,39 km², dân số năm 2019 là 22.174 người tập trung ở 2 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn hoặc gọi Cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi). Từ ngày 25-3-2020, huyện Lý Sơn chính thức công bố không còn đơn vị hành chính cấp xã nhưng với các vị cao niên ở đây, trong tiềm thức vẫn in sâu những câu chuyện về lập làng xã, ra đảo sinh sống, bảo vệ bờ cõi.
Di cư ra đảo
Sở dĩ Lý Sơn có tên gọi Cù lao Ré là vì ngày xưa, trên đảo có rất nhiều cây ré, loại cây có vỏ dùng để buộc đồ rất bền. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn vào đời Tự Đức, phần tỉnh Quảng Ngãi có ghi: "Cù lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...".
Đình làng trên đảo Lý Sơn .Ảnh: TƯ LIỆU
Lịch sử ghi chép từ rất lâu đã có cư dân từ đất liền ra đây định cư, khai phá hải đảo. Hiện nay, trên đảo còn thờ 8 vị tiền hiền từng khai canh trên mảnh đất gọi là "Bát tổ". Nhưng người dân Lý Sơn đến từ đâu?
Trong cuốn "Lệ làng Việt Nam", tác giả Hồ Đức Thọ cho biết theo gia phả họ Vũ ở làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) thì họ Vũ đã nhiều đời làm lý trưởng làng này. Cư dân làng thường ra đảo Lý Sơn làm ăn có dưới thời các chúa Nguyễn, chủ yếu là người họ Nguyễn, Vũ, Mạc. Ban đầu ở Lý Sơn chỉ có khoảng 20 gia đình, sau đó dân cư đông lên, hình thành nên An Vĩnh phường (sau này là xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn). Tuy ra ở ngoài đảo nhưng người dân vẫn lệ thuộc vào làng An Vĩnh ở đất liền, có nghĩa vụ đóng thuế cho làng.
Ở An Vĩnh phường có đền thờ Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Ngày trước, hằng năm cứ đến ngày 10 tháng giêng thì người dân làm lễ tế trời đất và lễ cúng Quốc chúa. Lệ làng có quy định người dân cư trú ở An Vĩnh phường đều phải đóng góp tiền của để làm lễ tế.
Ngoài ra, vào thời đó, cứ 4 tháng một lần, dân ở đảo Lý Sơn chèo thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa, lúc bấy giờ đã được xác lập chủ quyền của nước ta. Họ mang theo lương thực và các thứ nước nôi, thuốc men đủ trong 6 tháng. Nếu đi về bị thua thiệt thì lý trưởng làng An Vĩnh đề đạt với chức sắc trong xã để miễn thuế. Người dân ra đảo phải có nhiệm vụ giúp đỡ nhau. Mỗi khi ở đảo về bán đổi sản vật thì trích 2/10 để vào công quỹ, phòng khi có điều bất trắc thì lý trưởng lấy đó mà chi phí.
Lo cho dân
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), năm 1748, chúa đã cử người ra chỉ đạo trực tiếp khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Buổi đầu, chúa cử viên quan bồi thần là Ngô Văn Du đem 10 thuyền, gồm 50 người cùng dân An Vĩnh ra Hoàng Sa. Trong 3 năm đầu, phủ chúa chi cho mỗi gia đình ở Lý Sơn (khoảng 30 gia đình) một số tiền tương đương 50 thùng thóc/gia đình. Tính ra mỗi gia đình ăn gạo 30 tháng mới hết. Từ năm thứ tư, thì xã bắt đầu thu mỗi nhà (nếu không bị thất thoát) mỗi năm 20 thùng thóc.
Vào năm 1750, chúa đã cử Nguyễn Đức Trường đem quân đóng ở Trường Sa và Nguyễn Du Vũ mang 50 người đóng ở Hoàng Sa để quản lý đảo và bảo vệ cho dân. Thường thì từ tháng 10 âm lịch, những người từ Hoàng Sa, Trường Sa cho 10 thuyền chở sản vật trở về, làm công khố cho triều đình. Cũng từ năm 1750 trở đi, làng An Vĩnh ở đất liền có những quy định rất chặt chẽ về việc nhân dân ra đảo Lý Sơn lưu trú và khai thác. Trong đó nói rõ: "Ai có nhà ở đảo Lý Sơn đều có nhà ở làng An Vĩnh trên đất liền, ai không có nhà ở đất liền thì không được ra đảo. Mỗi gia đình một nửa số khẩu ở đất liền, một nửa ra đảo, ai đưa 2/3 ra đảo thì phải phạt và buộc trở vào, cả năm không cho người nhà ra đảo nữa".
Đối với những ai được ra Lý Sơn thì phải đến nơi thờ chúa, thờ thành hoàng để làm lễ và hứa 5 điều: Với bố mẹ lo đủ ăn đủ mặc; với vợ con nhà cửa đã làm đầy đủ; với phủ chúa thì tuân theo luật lệ; với bạn bè phải chân thật và giúp nhau khi hoạn nạn; với bản thân phải cẩn trọng khi làm việc và không ăn chơi sa đọa. Còn khi ra đến đảo phải tế trời đất, hải thần, phong thần, thiên quan rồi mới đi làm.
Nhắc nhớ chủ quyền
Lần theo dấu chân người xưa giữ đất, giữ biển, không thể không nhắc đến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Dưới thời vua Gia Long (1802-1820), nhà vua chính thức lập 10 đội quân, mỗi đội 10 người ra khai thác ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thay phiên nhau lưu trú tại đó. Tuy nhiên, người dân vẫn được khai thác bình thường và bán lại sản vật cho hai đội thuyền để lấy tiền tiêu dùng.
Có thể nói rằng số phận của những người lính ra đi ngày đó rất mong manh giữa trời mây và bọt biển trong suốt 5-6 tháng ròng. Để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi, mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống thì "chiếc chiếu bó tròn, mấy sợi dây mây" dùng để đồng đội bó xác mình thả trôi xuống biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu với nguyện ước mong manh là được trôi về bản quán.
Tuy biết khó có cơ may trở về nhưng họ vẫn phải hy vọng. Trước khi ra đi, cùng với việc tộc họ bàn soạn lễ vật xanh tươi, hương đăng tỏa rạng, họ nặn thành những hình nhân thế mạng bằng bột gạo, bằng giấy, hoặc bằng đất sét. Hình nhân thế mạng sẽ được đặt cạnh linh vị đã ghi tên tuổi người đi lính Hoàng Sa. Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như "đã có một lần chết". Làm như vậy khiến họ tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa, dù sẽ trải qua muôn ngàn bất trắc hiểm nguy trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là dịp tôn vinh họ, tế sống họ, cầu mong cho mọi điều xui rủi sẽ được các hình nhân chịu thay họ, để họ còn được bình yên ngày trở về. Và lễ khao lề này trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của các họ tộc từ những ngày đầu ở đất liền ra đảo, cũng như người dân Lý Sơn ngày nay.
Mời bạn đọc dự thi viết về chủ quyền biển đảo
Với mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" năm 2020-2021.
. Phạm vi đề tài:
- Các tác phẩm dự thi phải đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cũng như góp phần phát triển kinh tế biển, văn hóa biển và bảo vệ môi trường biển Việt Nam.
- Cảm nhận về biển đảo; tình yêu đối với biển đảo Tổ quốc Việt Nam.
- Sự hy sinh, không ngại khó, ngại khổ của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển… đang ngày đêm canh giữ biển khơi cho Tổ quốc.
- Lực lượng ngư dân có quá trình bám biển lâu dài, không quản gian lao, thậm chí hy sinh tính mạng để ngoài nhiệm vụ làm kinh tế, họ còn là những cột mốc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
. Thể loại:
- Bút ký, phóng sự, ký sự, tường thuật, ghi nhanh...
. Yêu cầu:
- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan; chưa đăng/phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Tác phẩm tham dự cuộc thi không quá 1.700 chữ. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
. Đối tượng dự thi:
- Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đơn vị tài trợ và phóng viên, cộng tác viên cơ hữu của báo không được tham gia.
. Thời gian:
- Bắt đầu nhận bài từ ngày 1-8-2020 đến hết ngày 15-5-2021.
- Dự kiến trao giải vào ngày 1-6-2021 (nhân dịp kỷ niệm 2 năm chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển").
. Giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng;
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng;
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng;
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
- Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
. Địa chỉ nhận tác phẩm:
- Tòa soạn Báo Người Lao Động: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Điện thoại: 028.3930 5376 - 0903.343439.
- Email: chuquyenbiendao@nld.com.vn
- Bài dự thi ghi rõ "Bài dự thi viết về chủ quyền biển đảo trên Báo Người Lao Động".
Tòa soạn
Bình luận (0)