Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu việc đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên 95.860 km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước), gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước) với có 11 khu kinh tế ven biển (cả nước có 18 khu). Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế...
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có lợi thế rất lớn về kinh tế biển
Việc thành lập hội đồng điều phối gắn với lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là phát triển nhanh và bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.
Tại phiên họp đầu tiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, yêu cầu hội đồng bắt tay ngay vào việc xây dựng quy hoạch vùng, tạo nên kết nối, liên thông, hỗ trợ, phát huy lợi thế của địa phương và toàn vùng.
Với việc thành lập hội đồng điều phối này, Chính phủ đã nhận diện những bất cập, điểm nghẽn trong liên kết giữa các địa phương trong vùng. Tuy có tiềm năng, lợi thế rất lớn về kinh tế biển nhưng các địa phương trong vùng chưa phát huy hết, "mạnh ai nấy làm". Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn nhỏ; ngành dịch vụ chất lượng chưa cao; sức cạnh tranh quốc tế ngành du lịch còn thấp; các đô thị trung tâm chưa phát huy được vai trò động lực. Vùng này đang và sẽ phải đối mặt những thách thức rất lớn do tác động của biến đổi khí hậu; nguy cơ thiếu nguồn nước, suy thoái tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển…
Các địa phương cần đẩy mạnh liên kết để phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng về kinh tế biển của từng địa phương và vùng
Những vấn đề này đòi hỏi các tỉnh, thành phải có sự liên kết, cùng giải quyết. Việc liên kết bắt đầu từ quy hoạch vùng, kết nối giao thông, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, kinh tế biển… Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng nếu không có cơ chế phối hợp mà "mạnh ai nấy làm" như trước nay thì những lợi thế riêng có của từng địa phương sẽ tự triệt tiêu. Với địa hình trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, vùng cần hình thành các tiểu vùng với những địa phương gần nhau về địa lý, có các lợi thế mang tính hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với các tuyến đường bộ Đông - Tây, hệ thống cảng biển đang đầu tư xây dựng sẽ tạo động lực phát triển thành trung tâm sản xuất phục vụ nhu cầu cho các đô thị lớn, hình thành hành lang xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên; tiêu thụ nông sản, thủy sản đến các thị trường TP HCM, Hà Nội và quốc tế. Vấn đề mấu chốt là phải đẩy mạnh liên kết vùng thì mới tạo ra sự phát triển đột phá cho vùng.
Bình luận (0)