Mỗi ngày, cứ khoảng 16 giờ, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch đánh thức các thuyền viên dậy để chuẩn bị cho đêm câu mới. Đã được phân công từ trước, Trương Văn Tây sẽ là người nấu cơm, các thành viên còn lại kiểm tra cần và dây câu, làm những dây câu mới khi dây cũ bị xước.
"Đi biển là như vậy..."
Cơm nước xong, mọi người có được 30 phút nghỉ ngơi trước khi mặt trời lặn để bước vào đêm "chiến đấu" mới. Trên biển, trời tối nhanh. Chưa tới 18 giờ, bóng đêm đã đổ ập xuống, bao trùm mặt biển. Hướng mắt về phía xa, vài con tàu khác trong nghiệp đoàn đã lên đèn. Những đốm sáng nhìn từ xa chỉ như đom đóm nhưng lại có sức mạnh lớn cho sự vững tin trong chúng tôi khi nghĩ đến một tình huống không hay xảy ra. Thấy vậy, thuyền trưởng Thạch cũng hối thúc nổ máy lên đèn. Đêm câu bắt đầu.
Các thuyền viên “đánh vật” với con cá lớn vừa câu được Ảnh: HOÀNG THANH
Sức nóng của dàn đèn cao áp từ trên tàu rọi xuống biển để dẫn dụ mực, cá làm chúng tôi phải cởi phăng áo dù đang ở giữa biển. Hai anh em nhà Vũ vội lấy mực từ hầm đá lên làm mồi để câu mực tươi - mồi ưa thích của cá ngừ đại dương. Khi mọi thứ đã xong, Vũ "em" mang theo 2 chai nước cùng chú Tám xuống thuyền thúng đi câu mực. Còn lại anh em trên tàu, thuyền trưởng Thạch phân công người buông cần câu cá, người dùng dây câu mực. "Chuyến câu lần này rất đặc biệt vì có hai "bạn thuyền" được gửi từ núi xuống nên anh em cố gắng để "bà cậu" thương tình cho thật nhiều cá, được về đất liền sớm" - thuyền trưởng Thạch nói vui cũng là động viên mọi người.
Đêm đầu tiên thật tuyệt vời với chúng tôi - những người làm báo đi theo tàu - vì câu được rất nhiều mực. Cả những người chưa một lần cầm dây câu như chúng tôi mà cũng câu được kha khá. Những con mực xà óng ả từ biển sâu được kéo đều tay lên tàu trong tiếng reo hò, cổ vũ của anh em bạn thuyền. Thế nhưng, lại là một đêm không thành công mấy cho đối tượng chính cần khai thác là cá ngừ đại dương. Mực sống vừa câu lên được móc ngay vào lưỡi câu để làm mồi nhưng cá ngừ đại dương chưa kịp đến thì cá hố, cá bánh lái xơi hết. Vì vậy, chốc chốc, các bạn thuyền lại phải kéo câu từ độ sâu hơn 100 m nước để kiểm tra mồi.
Sau nhiều giờ chờ đợi vẫn chưa có con cá nào cắn câu, Đỗ Văn Ủy đột nhiên hỏi tôi: "Thấy câu cá có mơ hồ, mông lung không?". Tôi lưỡng lự, anh Ủy tiếp lời: "Biển giả mà! Đi biển là như vậy đó. Có thể hôm nay không được con nào nhưng ngày mai được cả chục con". Tôi nhận ra, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngư dân vẫn luôn nuôi hy vọng.
Đấu sức với "xe tăng biển"
Sau 4 giờ chờ đợi, tới hơn 22 giờ, bất ngờ chiếc phao to như phích nước màu trắng bị kéo, đập mạnh xuống nước cái "bùm". Cá đã cắn câu! Cả 3 ngư dân nhào tới, 1 người giữ chặt dây câu, 2 người còn lại mang bao tay đã nhúng nước nắm sợi dây câu to như chiếc đũa liên tục kéo. Phía xa xa, một con cá lớn chồm lên mặt nước để thoát thân. Đôi bàn tay anh Ủy nhanh thoăn thoắt kéo sợi dây câu, phán đoán hướng di chuyển của con cá để điều chỉnh dây câu sao cho hợp lý. Khi căng sức, anh Ủy phải nới lỏng dây câu để cá lặn xuống trở lại. "Đó là cách anh em dìu cá. Chứ nếu căng sức kéo thì mình không lại nó, không khéo mất cả chì lẫn chài. Anh em gọi nó là "xe tăng biển" mà! Sức nó kéo chạy cả chiếc xe 3 tấn" - anh Ủy hổn hển giải thích.
Sau khoảng 10 phút vật lộn, con cá được kéo sát thân tàu, Vũ "anh" cầm cây khấu (móc sắt) móc nhanh vào phần đầu con cá rồi cùng nhau kéo lên tàu trong tiếng reo vui và ánh mắt rạng ngời của các ngư dân. Đây là con cá cờ nặng chừng 70 kg. Sau khi bỏ mang, ruột và rửa sạch, cá nhanh chóng được đưa vào hầm đá lạnh để bảo quản.
Anh Ủy giải thích thêm trong quá trình kéo cá lên thì "lái cá" đặc biệt quan trọng, phải đoán được hướng cá di chuyển, biết khi nào cần buông lỏng, khi nào cần quyết liệt để tránh cá bị tuột mất. Đặc biệt, bao tay phải luôn ướt vì nếu không, khi cá xuống câu với lực kéo mạnh sẽ làm cháy bao tay, gây phỏng. "Phải chú ý không được để chân vướng vào dây câu. Nếu đang kéo mà cá xuống câu, không may dây vướng chân thì sẽ kéo luôn cả người xuống biển" - anh Ủy cảnh báo và cho biết 15 năm đi biển, anh mới tích lũy được kinh nghiệm như hiện nay.
Ngày thứ 7 lênh đênh trên biển, chúng tôi đã thấm mệt. Khuya đó, khi chuẩn bị đi ngủ để dành sức cho ngày hôm sau, thình lình 1 con cá bò gù (cá ngừ đại dương) nặng gần 100 kg cắn câu khiến chúng tôi tỉnh hẳn. Lúc này anh Ủy lái cho cá xuôi theo mạn tàu. Cá lớn, vùng vẫy rất mạnh, cả 3 người khá vất vả dìu nó. Nhiều lúc các thuyền viên phải buông lỏng dây câu hàng trăm mét để cá lặn trở lại xuống đáy biển rồi mới từ từ dìu lên. Tuy nhiên, chú bò gù này không dễ đầu hàng. Nhiều lần dìu lên gần tới mặt biển, nó bỗng quẫy mạnh rồi lao tới húc vào mạn tàu khiến các thợ săn bò gù đầy kinh nghiệm chúi mũi mấy bận. "Gặp phải "xe tăng" thực thụ rồi. Anh em cố lên! Đưa được ông này lên là đóng học phí cho con thoải mái" - thuyền trưởng Thạch tay cầm lái động viên mọi người.
Hơn 30 phút vật lộn, cuối cùng "xe tăng biển" cũng phải đầu hàng vì kiệt sức. Nhưng đưa được cá lên tàu thì các thợ săn cũng chẳng còn sức để reo mừng. "Gần 10 triệu bạc cho "ông xe tăng" này đó" - Vũ "anh" hổn hển.
Đến khoảng 2 giờ 30 phút sáng, 3 cần câu cùng lúc bén cá khiến con tàu 450 mã lực liên tục bị rung lắc vì mỗi chú cá chạy một hướng. Các thuyền viên cũng phải liên tục đổi hướng để tránh cá quấn dây câu vào nhau hòng thoát thân. Nhờ mấy ngày theo dõi cách dìu cá, chúng tôi lao đến phụ các anh xếp dây câu, kéo cá. Chỉ 8 con người trên tàu nhưng tiếng reo hò làm dậy cả mặt biển đêm. May sao cuối cùng cả 3 chú bò gù cũng được đưa lên tàu. Thuyền trưởng Thạch cười giòn tan: "Được đó! Lần sau mấy chú đi nữa là trở thành thợ săn thực thụ thôi". Mọi người phá lên cười dẫu ai cũng thấm mệt.
Đêm hôm đó là đêm thành công nhất của chuyến biển khi câu được tổng cộng 7 con cá ngừ đại dương, ước tính hơn 3 tạ, thu về gần 50 triệu đồng. Thế nhưng, như ngư dân hay nói "biển giả", có những đêm như đêm thứ 8 của chuyến đi, thức trắng mà không câu được con cá nào.
Ngư dân thức giấc khi ánh chiều chưa kịp tắt và làm việc liên tục đến khi mặt trời lên hẳn thì mới được nghỉ ngơi, trái ngược hoàn toàn với cuộc sống khi ở trên đất liền.
Những "cột mốc sống"
Nhằm tiếp sức, động viên tinh thần ngư dân kiên cường bám biển, cùng chung tay khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Báo Người Lao Ðộng chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội tổ chức chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển".
Trong 63 tỉnh, TP của cả nước thì 28 tỉnh, TP có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển Việt Nam là sự "hiện diện dân sự"; mỗi tàu, thuyền đánh cá của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lắm khi thất bại
Thật ra, trong đêm thứ 8, cũng có một lần cá cắn câu khi trời gần sáng nhưng khi đã đưa con cá lên được gần mặt nước, Vũ "em" đưa khấu chuẩn bị móc nó lên thì bất ngờ dây câu bị tuột, mọi người đang cố sức kéo bỗng bật ngửa về phía sau. "Toi rồi" - anh Ủy hét lên đầy tiếc nuối. Ủy nhẩm tính con cá ngừ đó nặng hơn 50 kg, nếu đưa được lên tàu về bán thì được trên 5 triệu đồng.
Nhớ lại đêm đầu tiên, có 5 con cá cắn câu thì các ngư dân chỉ đưa được 3 con lên tàu, 2 con bị tuột mất. Mỗi lần như vậy, những khuôn mặt rám nắng như dài ra. Đó là miếng cơm, con chữ của con các anh vừa bị vuột mất. Mỗi lần như vậy, thuyền trưởng Thạch lại động viên: "Biển giả mà. "Bà cậu" cho bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu, biết đâu tối mai sẽ được nhiều hơn".
Sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, tàu cá KH-99766-TS cập bến, bán được 210 triệu đồng tiền cá. Trừ hết chi phí dầu, lương thực..., mỗi người chia nhau được 9 triệu đồng. Dẫu không gọi là "trúng" nhưng đó cũng là một chuyến biển thành công của các thợ săn bò gù, đặc biệt khi phải đèo theo 2 "ngư dân" bất đắc dĩ như chúng tôi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-5
Kỳ tới: Tình người giữa trùng khơi
Bình luận (0)