Tàu cá KH-99766-TS mà chúng tôi cùng ngư dân ra khơi là con tàu cá thứ 2 của thuyền trưởng Trần Khắc Thạch. Con tàu đầu tiên của anh bị đâm chìm vào trưa 9-9-2015.
Cả tàu suýt mất mạng
Đó là một buổi trưa định mệnh, nói như anh Thạch, cả đời không bao giờ quên được.
Khoảng 12 giờ 30 phút, tàu thả trôi tại vùng biển thuộc tỉnh Bình Thuận, anh Thạch và 4 thuyền viên đang ngủ để lấy sức cho đêm câu mới bỗng bừng tỉnh vì tàu bị va đập rất mạnh. Chưa kịp trấn tĩnh thì con tàu chao đảo như muốn lật úp, nước nhanh chóng tràn vào các khoang. Nhìn ra ngoài thấy 1 con tàu lớn đang chạy xa, anh Thạch hét lên: "Bị đâm rồi". Sau đó, anh lao nhanh về máy bộ đàm, phát tín hiệu cấp cứu đến tất cả các tàu cá cùng nghiệp đoàn. Những thành viên khác phi nhanh ra phía trước tàu tháo dây dù, lật thuyền thúng xuống biển. Anh Thạch cho các thuyền viên lên thuyền thúng trước, còn anh cố nán lại liên tục đánh tín hiệu cấp cứu rồi mới rời tàu. Tuy nhiên, khi tàu đang chìm, máy trưởng Đỗ Văn Ủy chợt nhớ túi đồ dùng của mình còn ở sát cửa sổ. Tiếc của, anh Ủy lặn xuống tìm. Ai cũng thót tim. Cuối cùng Ủy cũng lên được, trên tay cầm chiếc đồng hồ điện tử và 200.000 đồng tìm được trong túi đồ.
"Gần 3 tiếng lênh đênh trên chiếc thuyền thúng thấy sao mà dài thăm thẳm. Lúc đó tôi nghĩ mông lung lắm. Nghĩ về gia đình, về tình huống xấu là không bao giờ về được đất liền… May mắn là tàu cá trong nghiệp đoàn tới kịp và cứu" - anh Vũ "anh" tâm sự.
Theo anh Thạch, nguyên nhân bị đâm là do máy phát tín hiệu định vị không may bị hỏng, trời nhiều sương mù nên tàu hàng của Angola không nhìn thấy, đâm phải. Sau vụ tai nạn, bằng sự giúp đỡ từ các chủ tàu cá trong và ngoài nghiệp đoàn rồi vay mượn thêm, anh Thạch sắm lại con tàu KH-99766-TS cùng những bạn thuyền trước đây tiếp tục ra khơi bám biển.
Giữa trùng khơi, bạn thuyền gắn bó, chia ngọt sẻ bùi như anh em một nhàẢnh: Hoàng Thanh
Cùng chia ngọt sẻ bùi
Đêm thứ 6 trong hành trình, mới mắc mồi không lâu, một con cá cờ kiếm bất ngờ cắn câu. Con cá to như cái thùng phuy lao tứ phía, kéo câu, lặn sâu xuống biển rồi bất ngờ vọt lên, lao về phía tàu. Cái mũi dài như lưỡi kiếm đâm mạnh vào thân tàu khiến nó bị gãy, con cá bất tỉnh, nằm đơ ra trên mặt biển. Anh Ủy cầm theo dây thừng lao thẳng xuống biển, buộc dây vào đuôi con cá. Vừa buộc xong, anh Thạch giục lớn: "Lên mau, nó tỉnh lại sẽ nhằm người mà lao vào đó".
Tuy con cá đã bị thương nhưng 4 ngư dân lực lưỡng phải vất vả mới kéo được nó lên tàu. Thấy cá gãy mũi nằm im, Trương Văn Tây tiến tới định gỡ dây câu thì bất ngờ nó vùng lên quật mạnh làm tay anh Tây chảy máu đầm đìa. Anh Thạch vội gác công việc, nhảy vào khoang lấy bông băng, thuốc sát trùng băng bó vết thương cho Tây. Những giờ sau đó, chốc chốc bạn thuyền tới kiểm tra vết thương, động viên Tây: "Ráng chịu đau, mai sẽ lành ngay thôi".
Mỗi đêm câu, tàu chúng tôi cử 2 người xuống thuyền thúng câu mực về làm mồi. Những người xuống thúng khi bán cá sẽ được chia thêm 700.000 đồng. Trước đây, việc xuống thúng luôn là của Vũ "anh" và một người khác. Từ khi Vũ "em" có con thì được nhường lại "để cho thằng em có thêm tiền mua sữa cho con".
Chúng tôi lần đầu đi biển, bị say sóng, nhiều ngày liền ói đến mật xanh, mật vàng. Đặc biệt, 3 ngày đầu không thể ăn được gì, chỉ uống sữa, nước yến "cầm hơi" làm mọi người trên thuyền khá lo lắng, liên tục thăm hỏi, động viên. Có anh còn dọa: "Không cố ăn, về nhà vợ nhận không ra, con nhìn thấy khiếp vía đó".
Trong suốt hành trình ra khơi, sau mỗi đêm câu, anh Ủy lại mở điện thoại xem hình con gái, thỉnh thoảng chép miệng: "Không biết con bé ở nhà thế nào. Có ai đưa đi học không?". Sau này chúng tôi mới biết, anh Ủy mới ly hôn, mỗi khi anh ra khơi, con gái 6 tuổi của anh về ở với ông bà nội. "Mình đi làm cũng chỉ để lo cho con" - anh tự an ủi. Còn thuyền trưởng Thạch, mỗi buổi chiều lại gọi qua tổng đài để nối máy về nhà hỏi thăm con trai đang học lớp 7 và người vợ mới mổ u xơ tử cung. "Mình đi biền biệt, vợ con ở nhà tự chăm lẫn nhau. Vợ mổ mà mình có ở nhà để chăm sóc được đâu" - giọng anh Thạch chùng xuống.
"Có kiêng, có lành"
Sau nhiều ngày cùng ăn ở với ngư dân, chúng tôi thấy họ kiêng cữ khá nhiều thứ. Ví dụ khi ăn cá, sau khi gắp hết một bên, không bao giờ lật cá để ăn tiếp mà nhẹ nhàng gỡ xương rồi mới ăn. Họ tránh những động tác như "lật" gợi điều không hay cho "ngôi nhà trên biển" của mình. Hay sau khi ăn, họ "gửi" thức ăn thừa trở lại biển để làm mồi cho cá, không gọi là "đổ" hay "vứt" vì không muốn thất lễ với "ông cậu" (thần Nam Hải). Biết chúng tôi tò mò về điều này, anh Thạch nói những chuyện như vậy đã có từ xa xưa và họ không muốn thay đổi vì ai cũng muốn tâm được yên. "Cứ vậy đi em. Có kiêng, có lành" - anh Thạch vỗ vai tôi.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Rất ý nghĩa và có trách nhiệm với ngư dân
Việc Báo Người Lao Động phát động Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" là một việc làm rất ý nghĩa và rất có trách nhiệm đối với ngư dân Việt Nam. Có thể, về mặt giá trị kinh tế không phải là lớn nhưng nó thể hiện sự tôn trọng quốc thể của Việt Nam.
Mỗi khi ngư dân ra khơi để đánh bắt cá, lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên nóc tàu, thuyền, là biểu trưng để cho tàu đánh cá các quốc gia khác biết đó là tàu Việt Nam. Ngoài ra, việc treo lá cờ Tổ quốc trên tàu của ngư dân đi đánh bắt thủy hải sản trên biển, cũng sẽ khiến tâm hồn ngư dân phơi phới, thể hiện trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Khi ngư dân thượng lá Cờ Đỏ Sao Vàng trên nóc con tàu của mình để vươn khơi, bám biển, là họ mang trong mình sứ mệnh những "cột mốc sống" chủ quyền trên biển của Tổ quốc. Đây là một sứ mệnh hết sức cao cả và thiêng liêng. Bên cạnh đó, ngư dân cũng ý thức giữ gìn hình ảnh Việt Nam, bằng việc tuân thủ các luật pháp của Việt Nam và quốc tế trong việc đánh bắt thủy hải sản.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Sẽ thắp lên ngọn lửa yêu nước
Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng cộng đồng xã hội tổ chức, là một chương trình rất ý nghĩa.
Lá cờ tung bay trên biển sẽ thắp lên ngọn lửa yêu nước, sưởi ấm và hun đúc thêm nhiệt tình cách mạng về bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và chủ quyền quốc gia.
Ngư dân được tặng cờ Tổ quốc như được tiếp sức và được trao sứ mệnh cao cả. Với việc được tin tưởng trao gửi niềm tin, trách nhiệm và tình cảm, ngư dân sẽ không quản ngại gian lao, rèn luyện ý chí kiên cường để bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên):
Quan tâm thiết thực đến ngư dân
Cờ Tổ quốc là biểu tượng của hồn nước, lòng dân, sự hy sinh anh dũng của rất nhiều thế hệ người Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Chính vì vậy, việc treo cờ Tổ quốc là niềm tự hào của mỗi công dân.
Ngư dân vươn khơi, bám biển, bên cạnh việc mưu sinh còn là để bảo vệ chủ quyền. Họ treo cờ Tổ quốc lên đỉnh cao nhất của thuyền giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin giữa mênh mông của biển cả; giúp họ kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền của dân tộc.
Tuy nhiên, trước sóng to, gió lớn, cờ rất nhanh bị hư hỏng. Vì vậy, việc Báo Người Lao Động phát động Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" không chỉ là một chương trình có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần rất lớn, cho thấy cả nước luôn hướng về biển đảo, luôn hướng về ngư dân mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với ngư dân.
Văn Duẩn ghi
Bình luận (0)