Ngoài những người lính biển kiên trung, trải dọc trên các vùng biển, đảo của đất nước còn có một lực lượng vừa đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc vừa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngư trường. Đó chính là lực lượng kiểm ngư, bạn đồng hành của ngư dân.
Bữa cơm... "bay lắc"
Xoảng, xoảng, xoảng. "Vỡ mấy cái bát rồi, trời đánh tránh miếng ăn, cả ngày không lên chọn đúng lúc ăn cơm, này ai mà ăn được chứ" - anh Dũng lẩm bẩm.
Tàu kiểm ngư luôn có mặt trên các vùng biển để bảo vệ ngư trường, ngư dân
Cứu hộ, cứu nạn ngư dân là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng kiểm ngư
Cơm vừa và tới miệng, phó thuyền trưởng Tuấn huơ đôi đũa về phía ngư dân Thắng, nói với theo: "Chụp cái nồi canh, nhanh, nhanh...". Cùng lúc đó, Hiệp - một "lính mới" - vừa bịt miệng vừa lao nhanh ra lan can nôn thốc nôn tháo.
Nhìn anh nhân viên kiểm ngư bị say sóng, vị thuyền trưởng cười: "Sóng thế này đã ăn thua gì so với mấy chuyến trước". Thuyền trưởng nói như không có chuyện gì xảy ra, xong buông đũa, lên đài chỉ huy xem tình hình. Được một lúc, bữa cơm vội cũng nhanh chóng kết thúc, rồi ai vào việc nấy.
Đó là bữa cơm "bay lắc" của các cán bộ, nhân viên tàu kiểm ngư KN-205. Với họ, xa đất liền hàng trăm hải lý giữa muôn trùng biển nước thiếu thốn mọi thứ, "sóng gió" lúc nào cũng thường trực, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
"Giữa biển cả mênh mông, khi sóng lên gió giật, con tàu trở nên nhỏ bé, mong manh lắm, hết lắc lư rồi đến vặn mình theo từng cơn sóng, có lúc còn kèm theo đó là những tiếng "rặc rặc" tưởng chừng như sắp gãy đôi đến nơi. Sóng thì cứ tiếp tục "thét gào" đánh vào tàu, nước bắn trắng xóa phủ lên cả cabin, gió cứ rít lên xen lẫn trong đó còn là tiếng vù vù, nghe đến rợn cả người" - phó thuyền trưởng tàu KN-205 Lưu Ngọc Tuấn nói.
Với một người bình thường đó là nỗi khiếp sợ nhưng với cán bộ, nhân viên kiểm ngư thì đây là chuyện quá đỗi bình thường. Các anh vốn xem biển là nhà, quanh năm sống chung với sóng, gió, mưa bão.
Phó thuyền trưởng Tuấn bộc bạch: "Tôi sống chung với biển hơn chục năm rồi. Những đợt sóng to như này cũng quen rồi, chứ "lính mới" chưa quen thì bao nhiêu mật xanh, mật vàng là cho ra cả. Nhiều hôm vừa kẹp nồi cơm vào chân vừa ăn chứ thả ra là sóng đánh mất ăn luôn ấy chứ".
Mệnh lệnh không lời
Ở nơi xa đất liền hàng trăm hải lý, phía chân trời của Tổ quốc, lực lượng kiểm ngư đang ngày đêm vượt qua khó khăn để bám biển. Cứu hộ, cứu nạn ngư dân là nhiệm vụ thường xuyên, mệnh lệnh không lời đối với các anh.
Tôi còn nhớ như in, khoảng 8 giờ 20 phút ngày 14-2-2020, lúc tàu kiểm ngư KN-205 hành trình trên khu vực ngư trường tiếp giáp Việt Nam - Indonesia thì kênh A10 - máy liên lạc nghề cá - bỗng vang lên giọng hốt hoảng, xen lẫn trong tiếng xẹt xẹt, vù vù của gió: "Các chú ơi! cứu với, cứu với, cứu với".
Thuyền trưởng tàu KN-205 trấn an: "Đây là tàu kiểm ngư KN-205. Anh là ai? Đang ở tọa độ nào? Cứ bình tĩnh trả lời". Bên kia đầu dây, đáp: "Chúng tôi là tàu cá BV 5536 TS... Có người bị thương, máu ra nhiều lắm".
Sau khi xác định tọa độ, thuyền trưởng lập tức cho tàu chuyển hướng nhanh chóng tiếp cận tàu cá BV 5536 TS, đưa người bị thương lên tàu.
Người bị nạn là ngư dân Trương Thế Sang (quê huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), trong quá trình thu lưới bị vật nhọn đâm vào đầu. Do vết thương khá sâu lại nằm trên đỉnh đầu, sóng lớn nên tổ y tế của tàu phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ rửa sạch, khử trùng vết thương rồi mới tiến hành khâu, băng gần 1 giờ mới xong. Khi tỉnh lại, ngư dân Sang cầm lấy tay anh Lê Văn Mạnh, Bí thư Chi bộ tàu KN-205, rối rít cảm ơn: "Lúc bị thương, em sợ lắm, không biết sống chết thế nào, may có các anh...".
Sơ cứu cho ngư dân Sang xong thì tàu KN-205 lại nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu cá số hiệu BV 92158 TS. Tình thế cấp bách, tàu KN-205 nhanh chóng đi ứng cứu. Lần này, người bị nạn là ngư dân Văn Xuân Long (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bị viêm ruột thừa cấp. Sau khi sơ cứu, anh Long dần ổn định, tổ y tế tiến hành bàn giao người bị nạn cho tàu cá BV 92158 TS để chuyển về điều trị tuyến sau.
Khi chia tay 2 ngư dân gặp nạn, cán bộ, nhân viên tàu KN-205 không quên gửi tặng sữa, rau xanh, thịt cùng những lời dặn dò giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đánh cá, vươn khơi giữ biển.
"Cuộc sống trên biển lúc nào cũng bấp bênh, trắc trở. Lúc ốm đau hay tai nạn lao động trên biển, những con tàu của lực lượng kiểm ngư hay lính biển là những nơi mà ngư dân tìm kiếm hy vọng cuối cùng" - anh Lê Văn Mạnh chia sẻ.
Sinh mạng ngư dân là trên hết
Người viết còn nhớ, thời điểm xảy ra cơn bão số 9 năm 2020, tất cả tàu thuyền đua nhau về bờ tìm nơi tránh bão thì những con tàu kiểm ngư KN490, KN467, KN473... đi ngược hướng bão "lao" mình vào biển sâu, sóng dữ để cứu ngư dân. Giữa bão tố bủa vây, những con tàu kiểm ngư vẫn kiên định tìm kiếm hết tọa độ này đến tọa độ khác, quần nhau với bão tố, sóng dữ để cứu ngư dân. Lực lượng kiểm ngư cũng như những người lính Hải quân chúng tôi, sinh mạng ngư dân là trên hết, phải cứu cho bằng được dù có phải hy sinh.
Mời tham gia cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm"
Từ thành công của cuộc thi viết "Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết lần 2 năm 2021-2022 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm".
.Nội dung, phạm vi đề tài:
- Phản ánh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; công cuộc bảo vệ, xây dựng, phân giới, cắm mốc, bảo vệ đường biên giới trên bộ.
- Phản ánh khách quan, sinh động, sâu sắc về đường lối ngoại giao của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của người chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... đang ngày đêm canh gác ngoài biển khơi, vùng biên giới.
- Đề xuất ý tưởng, giải pháp có căn cứ khoa học trong việc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền; về phát triển kinh tế biển, văn hóa biển, bảo vệ môi trường biển Việt Nam, phát triển kinh tế khu vực biên giới...
.Thể lệ, yêu cầu:
- Là bài viết thể loại phóng sự, ký sự, ghi chép, bình luận, phản ánh, tường thuật, ghi nhanh...
- Tác phẩm dự thi (bài và ảnh; clip/video) chưa đăng, phát trên bất kỳ phương tiện đại chúng nào, kể cả trang cá nhân.
- Các tác phẩm có liên quan đến tư liệu, tài liệu lịch sử..., tác giả phải gửi kèm bài viết hoặc trích nguồn, dẫn nguồn.
- Mỗi bài dự thi chỉ đăng 1 kỳ, không quá 1.700 chữ; bắt buộc có ít nhất 3 ảnh chụp nhân vật hoặc vấn đề liên quan tình tiết, nội dung bài báo. Ảnh gửi kèm theo bài, không dán ảnh vào bản thảo dự thi.
- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm dự thi.
.Đối tượng tham gia:
Tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được tham gia cuộc thi trên.
.Thời gian:
- Nhận tác phẩm dự thi từ ngày 28-8-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 6-2022.
- Tác phẩm dự thi gửi qua email: chuquyenbiendao@nld.com.vn. Tác phẩm dự thi ghi rõ tên tác giả, bút danh, kèm địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng. Tác phẩm dự thi đăng báo được trả nhuận bút theo quy định của Báo Người Lao Động.
.Cơ cấu giải thưởng:
- Giải nhất (1 giải): 50 triệu đồng.
- Giải nhì (1 giải): 30 triệu đồng.
- Giải ba (1 giải): 20 triệu đồng.
- Giải khuyến khích (2 giải): 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)