Ngày 26-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc triển khai 2 trạm nghiên cứu khoa học (NCKH) trên Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Ngụy trang "nghiên cứu khoa học"
Phản ứng của Việt Nam xuất phát từ việc vào ngày 20-3, Tân Hoa Xã thông báo 2 trạm NCKH thuộc Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tân Hoa Xã còn nói rằng 2 trạm này nằm trong hệ thống trạm NCKH tổng hợp về rạn san hô và biển sâu của Trung Quốc, được trang bị các phòng thí nghiệm sinh thái, địa chất và môi trường, sẽ hỗ trợ các nghiên cứu hải dương học, tăng cường năng lực quan trắc và thí nghiệm về sinh thái, địa chất, môi trường, vật liệu và sử dụng năng lượng biển.
Cũng theo Tân Hoa Xã, các trạm này sẽ được nâng cấp trong tương lai để nghiên cứu về hiện tượng axít hóa đại dương, ô nhiễm vi nhựa, bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô và xử lý thảm họa biển. Hai trạm này cùng với Trung tâm Nghiên cứu tổng hợp đảo và rạn đã được xây dựng trước đó trên đá Vành Khăn (một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1995), tạo thành một tam giác, có khả năng cung cấp thông tin nhằm khống chế cả một vùng rộng lớn trên biển Đông.
Ngụy trang dưới vỏ bọc NCKH, có thể khẳng định động thái tiếp tục xây dựng và vận hành 2 trạm NCKH là một động thái vô cùng nguy hiểm, nằm trong âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc có lịch sử diễn giải luật pháp quốc tế theo ý muốn và có lợi cho mình. Theo luật pháp quốc tế, việc công bố các kết quả NCKH không được xem là bằng chứng để khẳng định chủ quyền. Thế nhưng, từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn sử dụng chiêu bài ngụy trang NCKH, coi việc đăng các sản phẩm khoa học về biển Đông như là một trong những nỗ lực khẳng định chủ quyền. Do vậy, mặc dù Tòa Trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng tuyên bố về "quyền lịch sử" của Trung Quốc tại vùng biển nằm trong "đường lưỡi bò" là không có cơ sở pháp lý, nước này vẫn muốn lợi dụng việc NCKH để thể hiện mình đang kiểm soát, quản lý, khai thác, sử dụng một cách hòa bình, tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và một vùng nước rộng lớn trong biển Đông nằm trong "đường lưỡi bò".
Bằng cách này và những cách khác kết hợp với sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, chính trị, họ tin rằng có thể từng bước độc chiếm biển Đông.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt NamẢnh: REUTERS
PGS-TS Vũ Thanh Ca: “Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiến hành các hoạt động xâm chiếm biển Đông”
Lợi dụng dịch bệnh để lấn tới
Cần chú ý rằng theo nhiều đánh giá khoa học, trong thời gian vừa qua, do nạo vét và xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, Trung Quốc đã tàn phá và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 125 km2 rạn san hô quý hiếm trên biển Đông và là quốc gia tàn phá rạn san hô nhiều nhất thế giới trong thời gian 5 năm qua. Điều này cho thấy không có cơ sở để tin rằng những hoạt động khoa học của Trung Quốc trên biển là để phục vụ cải thiện môi trường và các hệ sinh thái biển, tăng cường số liệu khoa học phục vụ loài người.
Các NCKH biển, đặc biệt là nghiên cứu hải dương học, có tính lưỡng dụng, tức là vừa phục vụ mục đích quân sự vừa phục vụ mục đích dân sự. Nhờ các NCKH, Trung Quốc có thể xác định được những điều kiện hoạt động tối ưu cho các phương tiện chiến tranh, đặc biệt là tàu ngầm. Các điều kiện khí tượng thủy văn biển như thời tiết biển, sóng, gió, dòng chảy, thủy triều cũng cần thiết cho các hoạt động quân sự của tàu, thuyền, các phương tiện bay trên biển. Vì vậy, việc tăng cường NCKH trên biển Đông ngoài cung cấp các thông tin phục vụ quản lý biển còn cung cấp các thông tin phục vụ những mục đích quân sự cho hải quân, không quân và các lực lượng quân sự khác của Trung Quốc trên biển. Trung Quốc cũng có thể lắp đặt những thiết bị giám sát biển trên các trạm này để cung cấp thông tin phục vụ những hoạt động quân sự trên biển Đông và trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh biển Đông.
Đặc điểm chung của Trung Quốc là thường chọn những thời điểm mà các nước khác mất cảnh giác để triển khai các hoạt động lấn chiếm biển Đông. Hiện nay, mặc dù bị tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng về cơ bản, Trung Quốc đã khống chế được dịch; trong khi đó, cả thế giới đang tập trung vào chống dịch cũng như bảo vệ nền kinh tế, hạn chế tới mức có thể các tác động của dịch. Trong bối cảnh này, hầu như không nước nào có thời gian để quan tâm tới các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc đã chọn thời cơ thuận lợi này để triển khai 2 trạm NCKH như nói trên. Bằng cách đó, Trung Quốc muốn nhân cơ hội cộng đồng quốc tế đang căng mình chống dịch để đặt các nước, nhất là các nước xung quanh biển Đông có vùng biển đang bị nước này xâm phạm, vào sự đã rồi.
Chiến thuật "tằm ăn lá dâu"
Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn thực hiện chiến thuật "tằm ăn lá dâu" để từng bước chiếm trọn biển Đông. Hành động Trung Quốc thăm dò, khảo sát trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các nước, đặc biệt là của Việt Nam, năm 2019 là một thí dụ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của các nước khác trên biển Đông trong thời gian tới. Cũng không loại trừ khả năng sau khi công bố việc thành lập và vận hành 2 trạm NCKH, Trung Quốc sẽ triển khai ngay các hoạt động NCKH trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh biển Đông.
Do vậy, chúng ta luôn không được lơ là cảnh giác trước những tham vọng của Trung Quốc.
Bình luận (0)