"Trải qua quá trình dài xây dựng và phát triển, Trường Sa hôm nay đã đổi thay; đời sống nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trên các xã đảo ngày càng đầy đủ, ấm no". Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa - khẳng định như vậy nhân sự kiện tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, vừa diễn ra ở Khánh Hòa.
Y tế, giáo dục vươn mình
Theo ông Lê Đình Hải, sau 35 năm kể từ ngày diễn ra sự kiện Gạc Ma (14-3-1988), vùng trời, vùng biển huyện đảo Trường Sa đã đổi thay từng ngày. Trường Sa ngày nay đã vươn lên mạnh mẽ, nổi bật là y tế và giáo dục.
Trường Sa hiện có 8 bệnh xá và 1 trung tâm y tế. Các cơ sở y tế đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, có thể giải quyết nhiều ca bệnh cho quân và dân huyện đảo, cũng như khám, điều trị bệnh cho ngư dân gặp nạn khi đánh bắt hải sản trên biển.
Trong đó, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 - Bộ Quốc phòng (đóng tại TP HCM), giúp truyền hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm để hội chẩn, thống nhất phương pháp điều trị. Nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện Quân y 175, các y - bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa từng bước nâng cao chuyên môn, góp phần bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trên đảo...
Nhiều ngư dân gặp nạn trên biển đã được đội ngũ y - bác sĩ ở Trường Sa cứu chữa kịp thời. Mới đây, ngày 10-3, Bệnh xá đảo Trường Sa Đông tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho ngư dân Ngô Văn Tưu (ngụ xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận). Trong lúc đánh bắt, anh Tưu đau bụng dữ dội. Các ngư dân trên tàu cá tức tốc bỏ ngang chuyến biển để đưa ngư dân này vào đảo Trường Sa Đông.
Qua thăm khám, quân y đảo Trường Sa Đông chẩn đoán anh Tưu bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 12, nguy kịch đến tính mạng. Sau 1 giờ phẫu thuật, sức khỏe ngư dân này dần hồi phục. Ông Ngô Văn Thướng, chủ tàu cá, bày tỏ: "Giữa biển cả mênh mông, được các chiến sĩ quân y tận tình cứu chữa, chúng tôi rất an tâm".
Cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lĩnh vực giáo dục ở Trường Sa cũng ngày càng phát triển. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, giáo dục ở Trường Sa từng bước đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục được duy trì, giáo viên đạt chuẩn và tỉ lệ học sinh đạt khá, giỏi hằng năm đạt 100%. Học sinh Trường Sa vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt học lực khá, giỏi.
Hiện Trường Sa có 3 trường tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Các trường này giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5.
Quân - dân huyện đảo Trường Sa với nhiều hoạt động ý nghĩa trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển Ảnh: THIỆN NINH
Điểm tựa của ngư dân
Theo UBND huyện Trường Sa, nhờ được đầu tư bài bản, huyện đảo đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung tâm này cung cấp nhiều dịch vụ để ngư dân vươn khơi bám biển và là nơi tránh trú an toàn mỗi khi có bão.
Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000 DWT; đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đảm nhận việc cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như ở đất liền nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân.
Trung tâm này còn có bể chứa nước ngọt, kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân...
Bên cạnh khâu hậu cần, kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa còn thực hiện công tác dân vận. Họ thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản trong khu vực; giúp đỡ ngư dân trong lúc hoạn nạn, khó khăn...
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề án hỗ trợ ngư nghiệp và hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, để bộ có ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án này nhằm cụ thể hóa việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Khánh Hòa xác định xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vững về kinh tế, mạnh về quân sự
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý kịp thời, chủ động các tình huống xảy ra; giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển Đông và quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh đó, nghiên cứu tổ chức các hoạt động hỗ trợ du lịch, biển đảo, phát triển ngư nghiệp... để xây dựng quần đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, vững về kinh tế, mạnh về quân sự; là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận (0)