* Phóng viên: Tiếp nối cuộc thi viết "Chủ quyền biển, đảo bất khả xâm phạm" lần 1 năm 2020-2021, từ tháng 8-2021 đến nay, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2 năm 2021-2022. Đại tá có thể đưa ra một vài nhận xét về cuộc thi này?
- Đại tá LÊ HUY SINH: Việc Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức cuộc thi lần 2 với chủ đề "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" không những phù hợp với chủ trương mở rộng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" với các hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc"… mà còn thể hiện rõ nét hơn vai trò của báo chí trong định hướng tuyên truyền, bám sát đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình mới.
Qua 2 lần tổ chức, cuộc thi có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển tham gia. Chúng tôi xác định cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn lực lượng. Qua những tác phẩm dự thi, chúng ta được nghe, được thấy, được hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ trẻ, về tình yêu biển, đảo, trách nhiệm với Tổ quốc.
Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, cùng ông Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - trong một lần trao cờ Tổ quốc cho ngư dân tỉnh Quảng Nam Ảnh: HẢI ĐỊNH
Trên hết, có thể khẳng định cuộc thi là một hình thức giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc có hiệu quả tuyên truyền cao trong nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên... Mỗi tác phẩm có cách nhìn, cách đặt vấn đề phong phú, đa dạng, thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao của quân và dân cả nước trong bảo vệ chủ quyền mà ông cha ta đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* Nếu Báo Người Lao Động tiếp tục phát động cuộc thi viết về chủ quyền lần 3, năm 2022-2023, thì đại tá có góp ý gì?
- Báo Người Lao Động cần tiếp tục duy trì cuộc thi này và để cuộc thi có sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa, theo tôi, nên mở rộng đối tượng tham gia đến học sinh THCS, THPT. Đây là đối tượng bắt đầu hình thành nhân cách và có suy nghĩ độc lập. Trách nhiệm của chúng ta là phải "ươm mầm" tình yêu biển đảo và Tổ quốc cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện nay, lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp với các trường THCS tổ chức cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương", hướng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học sinh, với nội dung, hình thức rất linh hoạt và sáng tạo, như thi về hiểu biết, vẽ tranh, làm clip, viết bài cảm xúc về biển đảo, ca ngợi người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo. Nếu Báo Người Lao Động kết hợp với lực lượng Cảnh sát biển tổ chức cuộc thi này trong nhà trường, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn.
* Đối với chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", đại tá nhìn nhận như thế nào về kết quả chương trình và sự phối hợp giữa hai cơ quan?
- Đến nay, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao 875.220 lá cờ Tổ quốc trong tổng số 1 triệu lá cờ đến đồng bào các tỉnh, thành toàn quốc và nhiều đơn vị. Trong đó đã trao và ký kết trao 659.470 lá cờ trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cho ngư dân 24 tỉnh, thành phố có biển; 153.050 lá cho hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" đến 18 tỉnh và 62.700 lá cờ cho hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" tại 12 tỉnh, thành. Riêng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, tính đến giữa tháng 6-2022, hai bên đã tổ chức 5 lần trao tặng 14.000 lá cờ Tổ quốc trong số 25.000 lá cờ Tổ quốc đã ký kết cho ngư dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và TP Đà Nẵng.
Kết quả trên cho thấy chương trình ngày càng phát triển lớn mạnh, có sức lan tỏa sâu rộng và tính kết nối cao.
* Thời gian qua, Báo Người Lao Động cũng tích cực tham gia cùng lực lượng Cảnh sát biển triển khai chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân". Theo đại tá, việc phối hợp này tạo ra chuyển biến như thế nào trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp ngư dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo?
- Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" và chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" có nét tương đồng, cùng mục đích hướng đến ngư dân, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thông qua các chương trình phối hợp đã tạo sự chuyển biến rõ nét về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân, các tầng lớp nhân dân ven biển và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giúp đỡ ngư dân và con em của ngư dân vượt khó, yên tâm vươn khơi bám biển. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đoàn thể và dư luận xã hội đánh giá cao các hoạt động này.
* Để các chương trình phối hợp trong thời gian tới giữa Báo Người Lao Động với lực lượng chức năng, trong đó có Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, phát huy hiệu quả cao hơn nữa, theo đại tá, cần phải đổi mới cách làm ra sao?
- Như đã nói, thời gian qua, việc phối hợp triển khai chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của báo và chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" giữa Báo Người Lao Động và lực lượng Cảnh sát biển được các tầng lớp nhân dân ủng hộ.
Trên cơ sở đó, thiết nghĩ hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng với 28 tỉnh, thành ven biển để xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể sát với đặc điểm tình hình của ngư dân từng vùng miền. Song song đó, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong quá trình thực hiện; định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm về công tác phối hợp.
Ngoài ra, cần phối hợp với các nhà đồng hành để tạo ra nguồn lực xã hội lớn hơn nữa nhằm giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và giúp các con em của ngư dân có hoàn cảnh khó khăn được cắp sách đến trường học tập.
Có như vậy sẽ phát huy cao hiệu quả vừa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân về các vấn đề biển, đảo Tổ quốc vừa thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ngày 23-6, trao giải 2 cuộc thi
Lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2 năm 2021-2022 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" được Báo Người Lao Động tổ chức vào ngày 23-6 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Lễ trao giải dự kiến có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nghề cá Việt Nam; cùng đại diện Hội Nhà báo Việt Nam Hội Nhà báo TP HCM, các sở - ngành chức năng...
Dịp này, Ban Tổ chức trao tặng 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 2 năm 2021-2022; 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các tác giả đoạt giải cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc".
Bình luận (0)