Hôm nay, 9-11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 17-11. Lần đầu tiên, "Giao lộ sáng tạo" được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội. Trong dịp này, những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Hà Nội được kết nối để tạo thành những giao lộ sáng tạo hấp dẫn.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, khu vực chính diễn ra lễ hội, sẽ kết nối trục "Tinh hoa di sản" (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục "Kinh tế sáng tạo" (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ)... và 5 vườn hoa: Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19 Tháng 8, Tao Đàn.
Tòa nhà Đại học Khoa học Tự nhiên, tiền thân là Viện Đại học Đông Dương, với tuổi đời hơn 100 năm, lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan chiêm ngưỡng tổ hợp "Cảm thức Đông Dương" với hơn 20 tác phẩm nghệ thuật tương tác. Nơi đây cũng sẽ trở thành sân khấu nghệ thuật, nơi diễn ra hội thảo, tọa đàm, triển lãm.
Cung Thiếu nhi Hà Nội, với một số tòa nhà kiến trúc Pháp trong khuôn viên, tập trung nhiều hoạt động cho trẻ em, lan tỏa tinh thần sáng tạo của tuổi thơ. Nơi đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, hành trình trải nghiệm… Các tuyến phố lân cận như Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19 Tháng 8 sẽ diễn ra nhiều hoạt động đường phố như biểu diễn xiếc, triển lãm nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, trưng bày, sắp đặt một số tác phẩm nghệ thuật, không gian vui chơi của trẻ em.
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Nhóm Kiến trúc của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, cho biết "Giao lộ sáng tạo" quy tụ gần 500 nghệ sĩ sáng tạo với hơn 100 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, điện ảnh, quảng cáo... "Giao lộ sáng tạo" không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm trong tương lai mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố" - KTS Quang nhấn mạnh.
TS-KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho rằng với một đô thị giàu truyền thống văn hóa như Hà Nội, hệ thống di sản đô thị hiện hữu rộng khắp, trong đó có các biệt thự cổ, công trình cổ, khu phố Pháp. Đây là nguồn lực vô cùng phong phú để có thể khai thác, phát huy không chỉ phục vụ công tác bảo tồn di sản mà có thể thu lại nguồn lợi từ chính lợi thế. Hoàn Kiếm là quận lõi của nội đô trong lịch sử, có các khu vực đô thị di sản rất đặc trưng, hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt, khu phố cổ cũng là di tích quốc gia, khu phố cũ có nhiều công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX… Đây chính là lợi thế để thủ đô phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển kinh tế sáng tạo.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội góp phần định vị thương hiệu "Hà Nội - Thành phố sáng tạo" trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, qua đó, tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo của người dân thủ đô.
Bình luận (0)