xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần thương hiệu mạnh và không gian sáng tạo

THÙY TRANG

Hầu hết khách mời tham dự tọa đàm đều trăn trở về việc cần có chính sách đồng bộ, kịp thời để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó xây dựng những thương hiệu tầm quốc tế và đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, công nghệ... là những yếu tố tiên quyết

Tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23-5 với sự phối hợp về nội dung của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).

Thách thức cũng là cơ hội

Tham dự tọa đàm có ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL (từ Hà Nội vào dự trực tiếp). Dự trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội có: bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa và Nghệ thuật đương đại - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) và ông Chu Anh Hùng, Phó Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội.

NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM; KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội VHNT TP HCM, Chủ tịch Hội KTS TP HCM; bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM; nhà biên kịch Đặng Thanh Bình - Hội Điện ảnh TP HCM; TS Phan Anh Tú, Trưởng Khoa Văn hóa Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM; NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B; đạo diễn Quốc Thảo - Giám đốc Sân khấu kịch Quốc Thảo; đạo diễn Phạm Hoàng Nam; NSƯT - đạo diễn Đỗ Đức Thịnh; đạo diễn Hoàng Nhật Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng; TS Mai Mỹ Duyên; NSND Tuyết Mai...

Cần thương hiệu mạnh và không gian sáng tạo- Ảnh 1.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (đứng), phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận định: "So với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và trên thế giới vốn đã chú trọng phát triển từ lâu và thành công vang dội với công nghiệp văn hóa, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung. Lực cản còn lớn, cần phải tập trung tháo gỡ. Tiềm năng, thế mạnh của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa là rất dồi dào, chúng ta phải biến nguồn lực này thành giá trị kinh tế thật sự, đóng góp đáng kể hơn vào sự phát triển của đất nước.

Nhiều vấn đề đang được đặt ra, từ công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế đến đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư tài chính để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao trong các ngành công nghiệp văn hóa…".

Ông Lê Minh Tuấn cho rằng nhiệm vụ xây dựng thương hiệu quốc gia như việc mời ban nhạc BlackPink biểu diễn ở Hà Nội, Taylor Swift ở Singapore thu hút cộng đồng quốc tế đến tham dự, thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả quốc gia là cần thiết. Việt Nam cố gắng xây dựng thương hiệu quốc gia về văn hóa, góp phần lớn thúc đẩy công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà trăn trở: "Thách thức lớn hiện nay mà doanh nghiệp, người làm sáng tạo nhà nước cần là nắm bắt công nghệ số, trí thông minh nhân tạo, phải làm quen với sự thay đổi về nhiều mặt. Thách thức nhiều song thách thức cũng là cơ hội".

Cần cơ chế phù hợp, cần "bà đỡ"

Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm tổ chức các chương trình văn hóa trong và ngoài nước, tham gia đưa nhiều sao quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, đạo diễn KiKi Trần, Giám đốc Công ty Xin Chào Entertainment, đề cập: "Cần có sự đồng bộ trong việc đưa ra giải pháp gồm cơ chế - chính sách phù hợp để các đơn vị tổ chức thuận tiện hơn trong quá trình mời các nghệ sĩ - tour diễn quốc tế, đồng thời có sự hỗ trợ của nhà nước để thuận lợi hơn trong việc mang các nghệ sĩ - tour diễn về Việt Nam. Điều này không chỉ phục vụ văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy kích cầu du lịch, giải trí trong nước. Bên cạnh đó là việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng thực tế và sự liên kết với các nước phát triển, các đơn vị chuyên nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa".

Cần thương hiệu mạnh và không gian sáng tạo- Ảnh 3.

Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Bùi Thanh Liêm (bìa phải) tặng hoa và thư cảm ơn cho các đơn vị tài trợ, đồng hành với chương trình tọa đàm ngày 23-5. (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Theo đạo diễn KiKi Trần, hiện nay các đơn vị vẫn làm riêng lẻ, từ mối quan hệ cá nhân là chính. Vì vậy, các lễ hội - sự kiện biểu diễn văn hóa nghệ thuật vẫn dừng ở mức giao lưu biểu diễn, chưa đi sâu vào các hoạt động thực tế mang tính thúc đẩy sự phát triển của cả một ngành công nghiệp văn hóa.

Từ những thực trạng của ngành điện ảnh, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, góp ý: "Thành phố cần có cơ chế riêng của địa phương về chính sách bảo hộ điện ảnh để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam như ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam; thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt Nam, ngân hàng dành lãi suất ưu đãi cho những nhà làm phim trong nước vay vốn…".

Ý kiến này nhận về nhiều sự đồng thuận của giới chuyên môn. "Bản thân tôi từng rất "hừng hực máu lửa" với nhiều dự án mà tôi cho là ý nghĩa nhưng khi đối mặt với những thử thách không thể tháo gỡ, tôi không chỉ xếp lại dự án của mình mà sự máu lửa trước đó của tôi cũng trở nên nguội dần" - NSƯT - đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ từ trải nghiệm bản thân.

Những đại biểu tham gia tọa đàm đều đồng ý rằng, các nước lân cận đều đã gặt hái được những thành tựu vang dội từ văn hóa - giải trí. Để đi đến sự thành công đó, chắc chắn phải có sự chuẩn bị lâu và kỹ lưỡng.

TS Mai Mỹ Duyên nói: "Thái Lan, Hàn Quốc đã phát triển công nghiệp văn hóa hàng chục năm trong khi Việt Nam chỉ phát triển nhanh từ phần ngọn. Vì vậy, điều chúng ta cần giải quyết chính là đầu tư về mọi mặt, từ cơ chế chính sách thích hợp, cơ chế đặc thù của công nghiệp văn hóa, khuyến khích đầu tư, bảo hộ đầu tư để doanh nghiệp phát triển bền vững".

Ông Bùi Minh Quân - Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kim Ngân - cho rằng: "Trên thế giới, người ta phát triển nhanh, truyền thông tất cả các kênh, tiến hành rất nhanh theo cơ chế mở rộng, luật mở rộng, doanh nghiệp đầu tư làm ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế. Chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống nhân lực, điều này cấp chính phủ mới làm được, xây dựng trường đào tạo nhiều năm mới làm được. Chúng ta nên đầu tư bây giờ...". 

Điểm nhấn từ các lễ hội

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam đặt vấn đề: "Cứ lấy ví dụ từ Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc rất thành công về phát triển văn hóa. Bởi, khi thực hiện lễ hội văn hóa, họ quan trọng tính địa phương, tính lịch sử và yếu tố văn hóa vào sản phẩm. Văn hóa giải trí tưởng chừng đơn giản nhưng nó luôn bao hàm cả yếu tố giáo dục. Vì vậy, khái niệm văn hóa giáo dục mới được các nước quan tâm và chú trọng nhiều đến vậy.

Chúng ta đang trên đà phát triển nền công nghiệp biểu diễn nhưng nếu sự phát triển đó không kèm theo yếu tố bền vững thì chắc chắn, sự phát triển đó cũng sẽ không mang đến những hiệu ứng như mong đợi. Để đạt được yếu tố văn hóa giáo dục, xây dựng nhân lực (cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức nghệ thuật) chính là yếu tố then chốt.

Một trong vấn đề cốt lõi của phát triển văn hóa Việt chính là chúng ta đang quan tâm nhiều đến công nghiệp biểu diễn nhưng lại thiếu điểm nhấn rõ nét cho các lễ hội. Lễ hội chính là mảnh đất màu mỡ chứa đựng cả hai yếu tố văn hóa - giải trí nhưng chưa được tận dụng triệt để. Tôi nói điều đó vì tôi tin rằng, du khách ở bất cứ đâu cũng sẽ quan tâm đến 4 vấn đề chính: thiên nhiên, lịch sử, tâm linh, văn hóa. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được sự vững mạnh của cả 4 yếu tố trên bằng sự sáng tạo của mình.

Hiện nay, chỉ xét ở mặt cơ sở vật chất, Việt Nam chúng ta hoàn toàn chưa có hoặc có cũng rất tạm bợ. Và điều đó cũng đủ khiến cho các ngôi sao quốc tế thấy băn khoăn khi chúng ta đưa ra lời mời. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần giải quyết toàn bộ những nút thắt này trước bằng sự phối hợp, của nhiều người, nhiều sở - ban - ngành".

Cần thương hiệu mạnh và không gian sáng tạo- Ảnh 5.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo