Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 23-2, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn (phải ảnh) chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII
Tại Hội nghị, nhiều địa phương kiến nghị mở rộng phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất: Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung thêm trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh 1.000 MW điện gió và 500 MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000 MW điện gió và 6.000 MW điện mặt trời.
Tương tự, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết có nhiều dự án chậm tiến độ, vì thế tỉnh đề xuất dự án LNG Cà Mau vào Quy hoạch Điện VIII để mở rộng dự án.
Đối với nội dung nghiên cứu định hướng liên kết điện Việt Nam với các quốc gia ASEAN, đại diện Cà Mau đề xuất hệ thống truyền tải điện siêu áp 1 triệu HVDC (truyền tải điện một chiều siêu cao áp) sang Malaysia, Singapore để xuất khẩu điện. Cà Mau sẽ có báo cáo cụ thể tiềm năng lợi thế để triển khai.
Liên quan đến nội dung kiến nghị của Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết trong Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định rất rõ những dự án chậm tiến độ có chế tài xử lý nghiêm, phạt về tài chính nếu chậm tiến độ. "Đất nước không thể ngồi chờ một vài nhà đầu tư được" - ông nói.
Riêng chuyện xuất khẩu điện, "tiềm năng chúng ta có nhưng khi ngồi vào bàn đàm phán để xuất khẩu điện thế nào thì câu chuyện đặt là ở đường truyền tải bởi không thể truyền tải trên mặt nước được mà phải truyền tải dưới đáy đại dương" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt câu hỏi là ai sẽ đầu tư, người mua điện thì không đủ năng lực để đầu tư, còn người bán điện thì cũng không dễ gì hoạch toán và thu hồi vốn trong một chu kỳ dự án trong khoảng 14-20 năm.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ trong phiên họp ngày 25-2 để Chính phủ cho ý kiến thông qua quy hoạch Điện VIII trước ngày 28-2-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cùng đơn vị tư vấn giải trình làm rõ thêm trong quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh tính kế thừa và đánh giá tổng thể cũng như định hướng về phát triển điện gió ngoài khơi.
Vấn đề thứ hai là điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời tập trung, mặt trời áp mái tăng lên nhiều so với Quy hoạch Điện VIII trước đây.
Theo Phó Thủ tướng, đây là nguồn điện chiếm diện tích sử dụng đất lớn, do đó cần đánh giá chi tiết về diện tích sử dụng, tính khả thi và việc ảnh hưởng đến quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất cho nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần làm rõ tính khả thi hiệu quả trong hệ thống lưu trữ năng lượng trong đó có thủy điện tích năng, pin lưu trữ đối với nguồn điện mặt trời, nhất là đến năm 2030….
Đối với liên kết lưới điện nhập khẩu thì cần rà soát phương án đường dây kết nối phù hợp trong từng giai đoạn nhằm dự phòng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và các tỉnh biên giới.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có sự vào cuộc trách nhiệm để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh để không bị phá vỡ trong quá trình triển khai cũng như đảm bảo cung cấp điện tin cậy cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bình luận (0)