Sáng 26-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) với thông điệp "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.
Người hút thuốc lá điếu giảm
Kết quả 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.
Tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Cùng đó, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở nơi cộng cộng, nơi làm việc và ở hộ gia đình.
Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sử dụng các sản phẩm thuốc lá kể cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế.
Tại đây, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng.
WHO kêu gọi cấm thuốc lá điện tử
Phát biểu lễ mít tinh, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra hai khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
Theo đó, liên quan đến các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới, đại diện WHO khẳng định những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe và khiến những người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài, tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe...
"Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập pháp ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng"- bà Angela Pratt nhấn mạnh.
Với các sản phẩm thuốc lá thông thường, đại diện WHO cũng cho rằng giá thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ rẻ bởi thuế thấp. Giá cả không tạo được rào cản với nhóm trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và không khuyến khích người hiện đang hút, bỏ thuốc lá. Do đó, tăng thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được điều này.
"Với tư cách là trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, công việc của tôi là làm việc cùng với Bộ trưởng Bộ Y tế và các tổ chức khác để đảm bảo rằng mọi trẻ em ở Việt Nam đều có thể sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc. Tôi muốn thuốc lá trở nên thực sự đắt đỏ đối với các con tôi và cho tất cả những người trẻ tuổi, đến nỗi ngay cả khi họ muốn thử hút thuốc, họ sẽ không bắt đầu vì giá cả là ngoài tầm với"- bà Angela Pratt nói.
Ứng dụng công nghệ quản lý hút thuốc nơi công cộng
Thông tin về các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết hiện trên địa bàn quận có hơn 90% cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn thực hiện việc cấm hút thuốc lá.
Tại 30 điểm du lịch lớn trên địa bàn quận đã gắn biển cấm hút thuốc lá và được người dân cũng như du khách trong và ngoài nước chấp hành nghiêm túc việc không hút thuốc trong khuôn viên điểm du lịch.
Quận Hoàn Kiếm đang triển khai thí điểm "Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện và xử lý vi phạm Luật PCTH thuốc lá". Ứng dụng này giúp người dân có thể quay video/chụp ảnh để phản ánh các hành vi vi phạm hút thuốc nơi công cộng gửi về cơ quan chức năng xử lý.
Bình luận (0)