xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bức tranh sáng của giao thông liên vùng (*): Những dấu ấn lớn

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Bên cạnh khai thác những công trình giải tỏa áp lực giao thông nhiều cửa ngõ, TP HCM chú trọng các dự án trọng điểm kết nối liên vùng

Những ngày vừa qua, hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở nhiều cửa ngõ của TP HCM được đưa vào khai thác.

Thông thoáng

Trong đó, ngày 30-12-2024, cầu Phước Long nối quận 7 với huyện Nhà Bè được tổ chức thông xe. Dự án có tổng mức đầu tư 737 tỉ đồng này tạo hướng kết nối cho đường Huỳnh Tấn Phát và đường Nguyễn Hữu Thọ, góp phần cải thiện tình hình giao thông cũng như thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng thời gian trên, hầm HC1 thuộc công trình xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và một đoạn song hành Quốc lộ 50 được đưa vào hoạt động. Cạnh đó, công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý trên địa bàn quận Bình Tân với tổng mức đầu tư 1.232 tỉ đồng bắt đầu phục vụ người dân. Đường từ 10 m được mở rộng lên 30 m, giúp giải quyết bài toán giao thông khu vực dân cư đông đúc, rộng hướng di chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Bức tranh sáng của giao thông liên vùng (*): Những dấu ấn lớn- Ảnh 1.

Đường Tân Kỳ Tân Quý giúp rộng hướng di chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), thông tin sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành nhiều công trình trước Tết Nguyên đán. 

Cụ thể như nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1, quận Gò Vấp); đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình); cầu Tân Kỳ Tân Quý, cầu bà Hom (quận Bình Tân); cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố của nút giao An Phú, một đơn nguyên cầu Tăng Long (TP Thủ Đức)...

Thêm tín hiệu vui

Một tín hiệu vui nữa là dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 760 hồi tháng 8-2024. 

Vừa qua, UBND TP HCM có thông báo khảo sát về sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án thành phần 1 đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT), đánh dấu bước tiến mới đối với công trình quan trọng mang tính chất liên vùng.

Tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài với tổng chiều dài hơn 50 km, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối giao với Quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2027.

Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) của dự án khoảng 19.617 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 9.273 tỉ đồng, còn lại là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật… Về cơ cấu vốn, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 9.943 tỉ đồng (chiếm 50,69%). Phần vốn nhà nước tham gia khoảng 9.674 tỉ đồng gồm phần vốn Trung ương khoảng 2.872 tỉ đồng, phần vốn ngân sách TP HCM khoảng 6.802 tỉ đồng.

Cuộc họp giữa lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh mới đây đã thống nhất một số mốc tiến độ dự kiến. Theo đó, phê duyệt dự án thành phần 1 vào tháng 4-2025, ký kết hợp đồng BOT tháng 9-2025 để khởi công vào đầu năm 2026. Dự án thành phần 2 phê duyệt vào tháng 2-2025, khởi công tháng 8-2025 và hoàn thành đưa vào khai thác tháng 4-2027.

Trong khi đó, dự án thành phần 3 phê duyệt tháng 2-2025, bàn giao mặt bằng từ tháng 4-2025 để di dời hạ tầng kỹ thuật và khởi công dự án thành phần 2 vào tháng 8-2025.

Để bảo đảm tiến độ, Ban Giao thông đề nghị UNBD huyện Củ Chi chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi, Phòng Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ tuyển tư vấn đo đạc bản đồ, tư vấn thẩm định giá bồi thường. Từ đó, lập phương án giá đất cụ thể phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bức tranh sáng của giao thông liên vùng (*): Những dấu ấn lớn- Ảnh 3.

Cầu Phước Long vừa được thông xe

Đẩy mạnh kết nối

Những ngày cuối năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường liên tục dự phát động thi đua hoàn thành dự án trọng điểm và thông xe công trình giao thông cửa ngõ. Ông cho hay cảm nhận được những chuyển biến rõ rệt tại một số dự án và kỳ vọng chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực bảo đảm tiến độ đã cam kết, chất lượng công trình cùng an toàn thi công.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh trong năm 2025 thành phố tiếp tục triển khai nhiều công trình như xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng các quốc lộ cũng như tập trung hoàn thành thủ tục triển khai dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. 

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện đối với những công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Yêu cầu đặt ra là các đơn vị nỗ lực giải ngân vốn từ đầu năm nhằm bảo đảm tỉ lệ giải ngân theo kế hoạch. Đặc biệt, chủ đầu tư phải kiểm soát tốt dòng tiền và xử lý nghiêm nhà thầu có vấn đề về năng lực. Các địa phương có công trình đi qua phải nỗ lực bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Triển khai kế hoạch năm 2025 với ngành giao thông vận tải thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Giao thông Vận tải nâng cao vai trò, nhiệm vụ chiến lược về điều phối vùng Đông Nam Bộ, phát triển giao thông vận tải đa phương thức, kết nối liên vùng. Cùng với đó, tập trung công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông.

Một nhiệm vụ quan trọng song song, theo ông Bùi Xuân Cường, Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công; tối ưu hóa giải pháp thi công, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ những đồ án quy hoạch liên quan dự án trọng điểm, cấp bách theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư. Cụ thể như dự án đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, 5 dự án BOT xây dựng nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu... 

Bức tranh sáng của giao thông liên vùng (*): Những dấu ấn lớn- Ảnh 4.

Phối cảnh tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài

Chú trọng công tác vận động

Mục tiêu của dự án tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên Quốc lộ 22. Cùng với đó, giúp phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP HCM, Tây Ninh nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung...

Đối với đoạn song hành Quốc lộ 50 từ đường Trịnh Quang Nghị đến giao lộ Nguyễn Văn Linh còn 8 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, Ban Giao thông đã kiến nghị UBND huyện Bình Chánh, Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh công tác vận động và bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 31-1.

Bức tranh sáng của giao thông liên vùng (*): Những dấu ấn lớn- Ảnh 5.

Đường song hành Quốc lộ 50 đang dần hoàn thiện

Qua đó, hoàn tất khối lượng thi công, thông xe đoạn song hành này trước ngày 30-4 và thông xe đoạn Quốc lộ 50 từ ngã ba đường song hành đến ranh Long An. Toàn bộ công trình mở rộng Quốc lộ 50 được ấn định xong trước ngày 31-12.

__________

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-1

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo