Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á lần thứ chín với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á”, cập nhật xu hướng kinh tế số của sáu quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại điện tử, giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và dịch vụ tài chính.
Bất chấp các thách thức toàn cầu, nền kinh tế số Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế ổn định, nhu cầu tiêu dùng cao và công nghệ tiến bộ. Năm 2024, khu vực dự kiến đạt GMV (tổng giá trị hàng hóa) 263 tỉ USD và lợi nhuận 11 tỉ USD, với CAGR (tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm) tương ứng 15% và 24% từ năm 2023.
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 16%, chạm mốc 36 tỉ USD vào năm 2024, hai lĩnh vực thương mại điện tử và du lịch trực tuyến là động lực thúc đẩy chính.
Ngành thương mại điện tử, với GMV 22 tỉ USD, đã tăng trưởng 18% so với năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng của lĩnh vực này được thúc đẩy thần tốc bởi sự bùng nổ của video thương mại (video commerce) – một xu hướng sử dụng nội dung video để quảng bá và bán hàng. Không chỉ đóng góp vào GMV và thu hút khách hàng mới, hình thức video thương mại chứng kiến tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua.
AI đang trở thành trọng tâm phát triển tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các ngành giáo dục, y tế và tiếp thị dẫn đầu về lượng tìm kiếm liên quan đến AI. Chính phủ đã triển khai các sáng kiến ưu tiên phát triển AI và công nghệ bán dẫn, thúc đẩy nền kinh tế số.
Sự phổ biến của các công cụ sáng tạo tích hợp AI cũng thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Năm 2024, hơn 22% lượt tải xuống ứng dụng tại Việt Nam liên quan đến các tính năng AI như chỉnh sửa video và tạo nội dung.
Bình luận (0)