Tôi và Vũ quen nhau khi em đang theo học tại Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội (HACTECH) từ năm 2016. Mỗi lần muốn gọi điện cho Vũ bên Đức, tôi đều phải xem múi giờ để không làm phiền thời gian làm việc và nghỉ ngơi của cậu ấy. Sau gần 3 năm làm việc tại Đức, chưa về Việt Nam lần nào nhưng Vũ hứa sẽ trở về quê hương mở công ty khi tích lũy đủ vốn và kinh nghiệm nơi xứ người.
Nỗ lực từng ngày
La Quang Vũ sinh năm 1996 ở thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, trong một gia đình nông dân, đông con. Là con út nên Vũ được ưu ái đi học. Chàng trai xứ Lạng hiền lành, ít nói nhưng có ý chí, lòng quyết tâm báo đáp công ơn dưỡng dục của bố mẹ.
Ở quê Vũ, bốn bề đồi núi, nhà ai có con xuống Hà Nội học thì cả bản đều biết. Có người động viên, cũng có người hoài nghi, chê không bằng đi làm nương, rẫy. Nhưng bố mẹ vẫn đặt niềm tin vào con trai khi đăng ký học ngành kỹ thuật lắp đặt và điều khiển trong công nghiệp tại HACTECH (nay là nghề tự động hóa trong công nghiệp).
Xuống thủ đô, Vũ chỉ mất một thời gian đầu bỡ ngỡ và đã bắt nhịp rất nhanh với đời sống đô thị. Trong quá trình học tập, Vũ đạt thành tích ấn tượng, khi học nghề 50% lý thuyết và 50% thực hành. Ngoài giờ học, Vũ làm thêm một số công việc như phụ bếp, phục vụ nhà hàng, chạy xe ôm công nghệ… để bảo đảm chi phí sinh hoạt. Suốt 3 năm học, chỉ có năm đầu tiên phải phụ thuộc vào tiền bố mẹ ở quê gửi, còn những năm học sau Vũ đều tự túc.
Kết thúc 3 năm học với tấm bằng loại giỏi, Vũ dễ dàng có được công việc phù hợp tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, mức lương ổn định. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển nghề nghiệp tại Đức - một đất nước hàng đầu về khoa học kỹ thuật, Vũ đã tìm hiểu và theo học chương trình kỹ sư thực hành quốc tế chuyên ngành kỹ thuật điện do HACTECH và Học viện Quốc gia về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Landesakademie (LAK) bang Baden Wuttemberg, Đức tổ chức (viết tắt FiVe).
Vũ xin nghỉ việc tại công ty để dồn toàn sức vào học và trở về với cuộc sống sinh viên lần hai sau gần một năm đi làm. Khối lượng kiến thức của FiVe khá nặng và sâu buộc chàng trai phải học ngày lẫn đêm cùng với các chuyên gia người Đức. Kiến thức chuyên môn là một chuyện, học tiếng Đức đạt chuẩn trình độ B1 cũng là một thử thách rất lớn với Vũ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc học tiếng của Vũ càng thêm khó khăn. Tuy không quá nổi trội nhưng sau 2 năm học, Vũ đã chinh phục được tấm bằng B1 tiếng Đức, cùng tấm bằng tốt nghiệp FiVe được công nhận trên toàn cầu, Vũ chuẩn bị hành trang để sang trời Âu thử sức.
"Năm 2021 em đã 25 tuổi nên bố mẹ e ngại. Nhưng vì muốn hiện thực ước mơ, em đã nộp đơn tham gia dự án "Hand in Hand for International Talents" của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức do Bộ Kinh tế Đức tài trợ mang đến cơ hội làm việc tại Đức cho người lao động Việt Nam. Và em đã trở thành sinh viên đầu tiên của FiVe đủ điều kiện sang Đức làm việc vào tháng 11-2021" - Vũ tâm sự.
Tích lũy kinh nghiệm, nuôi dưỡng ước mơ
Đặt chân tới nước Đức, chàng trai trẻ đã chuẩn bị sẵn tâm lý xa nhà và bắt tay ngay vào công việc. Vũ được nhận vào làm việc tại Công ty Schwöre House (thuộc bang Baden), với vị trí kỹ thuật viên có mức lương 2.600 euro/tháng (khoảng 70 triệu đồng).
Vũ cho biết môi trường làm việc ở Đức cũng không khác nhiều so với Việt Nam. Một ngày làm 8 giờ nhưng yêu cầu công việc cao, đòi hỏi sự chính xác và không có chỗ cho sự lười biếng. "Tại Đức, em được học hỏi thêm kiến thức mới, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng quyết định dứt khoát và không đi theo lối mòn" - Vũ chia sẻ.
Theo Vũ, nếu đã xác định ra nước ngoài lao động, ngoài phải tìm hiểu và thích nghi với nền văn hóa mới, còn cần chuẩn bị sức khỏe tốt vì khí hậu tại châu Âu rất khác biệt với Việt Nam.
Trong thời gian làm việc tại Đức, Vũ đã phát huy đức tính chăm chỉ, chịu khó và cầu thị vốn có của người Việt, đồng thời thể hiện kiến thức chuyên môn được đào tạo tại dự án FiVe, nơi mà các giáo sư người Đức trực tiếp giảng dạy. Vũ nói kỹ năng mềm rất quan trọng như kỹ năng tin học, giao tiếp, xử lý tình huống, tác phong làm việc và nhất là tiếng Đức càng thành thạo bao nhiêu thì cơ hội nghề nghiệp càng rộng mở bấy nhiêu.
Để tăng thêm thu nhập, Vũ đi làm thêm tại một quán ăn của người Việt. Tuy nhiên, ở Đức rất rõ ràng, nhân viên phải báo cáo và phải có sự đồng ý của doanh nghiệp để bảo đảm chất lượng công việc tại công ty. Trong thời gian làm thêm, Vũ còn được giao lưu với nhiều người Việt xa xứ, kể những câu chuyện ở quê hương, ăn những món ăn truyền thống… giúp vơi đi nỗi nhớ nhà.
Sau gần 3 năm làm việc tại Công ty Schwöre House, Vũ đã chuyển sang Công ty IMS Messysteme ở gần Düsseldorf, vị trí thợ máy với hợp đồng 1 năm.
Chia sẻ về dự định tương lai, Vũ cho hay sẽ cố gắng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từng ngày cũng như không ngừng nuôi dưỡng ước mơ báo đáp công ơn cha mẹ.
"Hiện cuộc sống và công việc tại Đức khá ổn. Em còn 2 người bạn trước đây cùng học tại HACTECH - FiVe đang làm việc tại đây, tụi em đã có những kế hoạch trong tương lai, mà cụ thể là sẽ mở một công ty khi về nước để tạo việc làm và làm giàu trên chính quê hương của mình" - Vũ cho biết.
Bình luận (0)