Hai năm nay, sau giờ làm, anh Đinh Văn Tuấn, công nhân (CN) trực tiếp sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (TP Thủ Đức, TP HCM), lại đến lớp học chuyên ngành hệ thống điện của Trường ĐH Điện lực (cơ sở tại TP HCM), hệ vừa học vừa làm.
Tự trang bị kỹ năng
Bảy năm trước, sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, anh Tuấn được nhận vào công ty làm việc. Theo thời gian, anh nhận ra yêu cầu và sự phát triển của công nghệ là xu thế tất yếu, người lao động (NLĐ) muốn bảo đảm việc làm thì phải luôn học hỏi, nâng cao tay nghề.
Tuấn cho hay bản thân không tự hài lòng khi năng lực và kỹ năng chưa được tốt lắm dù có đến 7 năm kinh nghiệm. "Phải học để nâng cao kỹ năng và có cơ hội thăng tiến trong tương lai, cả vị trí làm việc lẫn thu nhập. Trước mắt là giúp tôi hiểu nhiều hơn về cấu trúc, chức năng của thiết bị để làm chủ công nghệ trong quá trình vận hành hệ thống, phù hợp với công việc hiện tại" - anh Tuấn nói.
Cũng như anh Tuấn, nhiều NLĐ khác cũng có suy nghĩ, quyết định tự trang bị cho mình thêm hành trang việc làm bền vững, bằng việc học thêm các lớp bồi dưỡng về chuyên môn. Dù bằng cấp không phải là yếu tố chính quyết định nhưng với nhiều NLĐ, cập nhật thêm kiến thức và kỹ năng để đủ tự tin làm việc trong môi trường chuyên nghiệp là rất cần thiết.
Chị Tô Ngọc Lan có hơn 8 năm làm CN may ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết trước đây vào công ty làm việc là được cầm tay chỉ việc. Đến nay, được cho là thạo nghề nhưng những kiến thức chuyên môn về ngành may thì chưa được trang bị. Vì vậy, từ sau dịch COVID-19, cùng với tác động của thị trường, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may đối mặt với khó khăn khi sụt giảm đơn hàng, phải cắt giảm lao động, chị Lan đã quyết định đăng ký học trung cấp may thời trang.
"Có đi học mới thấy kỹ năng nghề là yếu tố đưa NLĐ đến với thành công. CN may không đơn thuần là may và cắt, mà phải hiểu rõ về thiết kế, quy trình xây dựng định mức nguyên phụ liệu, dây chuyền, điều hành sản xuất, hay là kiểm tra chất lượng sản phẩm trên dây chuyền công nghiệp…" - chị Lan nói.
Suy nghĩ và quyết định của anh Tuấn, chị Lan phù hợp với thực tế của thị trường lao động hiện nay, khi sự cạnh tranh về việc làm diễn ra gay gắt. Nhu cầu tuyển dụng của DN luôn đòi hỏi nhiều kỹ năng. Những kỹ năng này đòi hỏi NLĐ phải tự trang bị song song với kỹ năng nghề để tiếp cận việc làm nhanh nhất. Có như vậy mới đủ tự tin làm chủ việc làm.
Theo báo cáo hướng dẫn lương 2024 của ManpowerGroup Việt Nam vừa công bố, nhu cầu về nhân sự có chuyên môn tay nghề cao đã tăng so với thời điểm trước dịch COVID-19. Có 94% công ty thừa nhận thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cần thiết để đáp ứng mục tiêu mà DN đề ra.
Tạo điều kiện để cùng phát triển
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động (chiếm 2,28%). Thị trường chưa có sự cải thiện về chất lượng khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu ổn định, chiếm 3/5 tổng số người có việc làm của cả nước.
Về chất lượng, nguồn cung còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Theo ước tính, có khoảng 38 triệu NLĐ chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ.
Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh sự cố gắng tự thân của NLĐ, cần có sự hợp tác của người sử dụng lao động trong việc đào tạo và tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận việc làm bền vững. Một tín hiệu khả quan là hiện có không ít DN, tùy theo tính chất và đặc thù lĩnh vực sản xuất đã có những chính sách về đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho NLĐ. Như ở Công ty CP Cơ khí xây dựng Đại Dũng, hằng năm đã tổ chức rất nhiều lớp đào tạo nội bộ và phối hợp với các viện, trường tổ chức ôn lý thuyết, thi sát hạch tay nghề nhằm định vị cấp bậc, nâng cao hiệu suất lao động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí xây dựng Đại Dũng, cho biết những kỳ thi sát hạch là rất quan trọng để đánh giá năng lực đầu vào. Đây là kỳ thi chất lượng bắt buộc để ghi nhận các quyền lợi khi NLĐ làm việc tại công ty.
"Từ sự quan tâm này, Đại Dũng luôn có đội ngũ thợ lành nghề, đáp ứng được các yêu cầu của đối tác và phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia với hơn 2.500 công trình và xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tham gia thực hiện dự án 2 sân vận động World Cup 2022, trở thành niềm tự hào cho trình độ tay nghề của người thợ cơ khí Việt Nam" - ông Hùng tự hào.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc thương hiệu của ManpowerGroup, bên cạnh lương thưởng, NLĐ luôn mong muốn nhận được cả những phúc lợi khác từ DN. Đó là được đào tạo và phát triển kỹ năng, lựa chọn linh hoạt nơi làm việc.
"Đào tạo là giải pháp tối ưu giúp DN phát triển ngày càng lớn mạnh hơn nhờ có đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Nếu thực hiện được điều này sẽ thu hút và giữ chân NLĐ trong cạnh tranh thu hút nhân tài. Ngoài ra, sự chủ động từ NLĐ và cả người sử dụng lao động trong việc nâng kiến thức sẽ là nền tảng tạo ra việc làm bền vững với đội ngũ nhân sự lành nghề, đủ tự tin hội nhập" - bà Trang đánh giá.
Bình luận (0)