Thông tin trên được TS-DS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) chia sẻ tại buổi làm việc của Bộ Y tế với các bệnh viện trên địa bàn TP HCM về công tác khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, vật tư y tế, chiều 8-8.
Buổi làm việc do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)
TS-DS Bình cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa tuyến cuối khu vực phía Nam, lượng người bệnh biến động không ngừng nên chỉ cuối ngày bộ phận chức năng mới thống kê được. Qua theo dõi, xu hướng người bệnh tăng 11%-12% so với trước dẫn đến bị động cho bệnh viện trong việc đảm bảo cung ứng thuốc và các vật tư y tế.
Phân tích thêm TS-DS Bình nêu ví dụ bệnh viện tính vật tư y tế điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân trong 3 tháng nhưng lại hết sớm hơn vì lượng bệnh nhân đông bất thường, điều này gây bất lợi. "Về vấn đề có thiếu hay không thì tùy vào từng thời điểm mới thiếu, còn lâu dài hiện tại bệnh viện vẫn đảm bảo được nguồn lực tiêu hao phục vụ điều trị cho người bệnh. Hiện bệnh viện dự kiến tiến hành 5 gói thầu theo các quy định mới, trong quá trình nghiên cứu chưa thấy vướng mắc nhưng thực tế có nhiều biến động nên xin Bộ Y tế có thêm hướng dẫn để có điều chỉnh" - TS-DS Bình nói.
Chia sẻ về tình hình thuốc, vật tư y tế, đại diện Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết tại bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhân ngoại trú. Dù là bệnh viện tuyến quận, huyện nhưng số lượng bệnh nhân đông khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
"Về cung ứng thuốc, vật tư của bệnh viện so với năm 2022 đến cuối 2023 đang tốt hơn. Hiện cơ bản đủ thuốc, có thể không được như mong muốn nhưng thỉnh thoảng có toa thuốc ở 1 số thời điểm thiếu cục bộ. Nguyên nhân, do chuỗi cung ứng đứt gãy, bên cạnh đó, bệnh viện có công nợ nhiều nên một số thuốc độc quyền họ không tham gia thầu, hoặc tham gia nhưng do thiếu nợ nên họ cung ứng thuốc nhỏ giọt. Ví dụ, thuốc gây tê tuỷ, có những thời điểm không có nên sản phụ sinh phải chuyển qua gây mê, ảnh hưởng chất lượng điều trị cho người bệnh" - đại diện bệnh viện nói.
Liên quan đến vật tư y tế về răng hàm mặt, thẩm mỹ tạo hình, đại diện bệnh viện cũng chia sẻ hiện không có các nhà thầu tham gia, ví dụ như răng sứ, hệ thống labo làm răng sứ khi bệnh viện tổ chức đấu thầu không có đơn vị nào tham gia. Ngoài ra, một số vật tư đấu thầu, trúng thầu nhưng chất lượng không đáp ứng. "Ví dụ chỉ tan dùng khâu tầng sinh môn, kim cùn, chỉ khâu chưa đủ ngày đã đứt trong khi vết thương chưa kịp lành" - đại diện bệnh viện trăn trở.
Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cho biết thời gian qua rất nhiều bệnh nhân phải chờ đợi để được thực hiện phẫu thật, thay thế khớp háng, khớp gối… vì thiếu vật tư y tế. Tuy nhiên, bệnh viện đã có giải pháp tạm thời sẽ chuyển bệnh hoặc mượn đơn vị bạn nên tình hình hiện cũng tương đối ổn định. Riêng về dụng cụ lắp đặt kết hợp xương, do bệnh nhân được thông tuyến nên số lượng đến bệnh viện điều trị đông, điều này gây áp lực cho bệnh viện tuyến cuối.
"Bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế TP HCM và đã có cuộc họp làm việc, chúng tôi sẽ điều chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 7A, hay Bệnh viện Nguyễn Trãi,... đây là giải pháp trước mắt. Song song đó, chúng tôi sẽ đấu thấu rộng rãi giữa tháng 8 các gói đang thiếu nên việc thiếu cục bộ sẽ hết" - đại diện Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM nói thêm.
Bình luận (0)