Bộ Công Thương kỳ vọng Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV).
Giá điện điều chỉnh 3 tháng/lần
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết Luật Điện lực được ban hành năm 2004 và đã có 4 lần sửa đổi (các năm 2012, 2018, 2022, 2023). Hiện nay, nhiều quy định của luật bộc lộ những bất cập, vướng mắc; không giải quyết được các vấn đề mới, quan trọng phát sinh trong thực tiễn.
"Việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết, cấp bách, góp phần thúc đẩy ngành điện lực phát triển bền vững, hiệu quả, đạt mục tiêu tăng gấp đôi công suất toàn hệ thống vào năm 2030 và thay đổi căn bản cơ cấu các nguồn điện để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Một trong những điểm đáng chú ý khi sửa Luật Điện lực là sửa đổi giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh để tiến tới xóa bỏ bù chéo. Cụ thể, giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ phát triển thị trường điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với điện sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện bậc thang tăng dần đối với nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện.
Bộ Công Thương sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình giảm bù chéo giá điện; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện.
Đặc biệt, để giá bán lẻ điện bình quân phản ánh sát với diễn biến thị trường và có tính khả thi cao, dự thảo Luật Điện lực hiệu chỉnh, bổ sung và luật hóa nội dung "Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân" thay vì "Thủ tướng Chính phủ quy định" tại Luật Điện lực hiện hành. Giá bán lẻ điện phản ánh kịp thời biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí và tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu không thấp hơn bình quân lãi suất liên ngân hàng thời hạn 6 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố của năm trước liền kề để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Giá bán điện được điều chỉnh ít nhất một lần trong thời gian 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất.
Bỏ giá điện bậc thang
Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero (cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0), TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhấn mạnh vấn đề ưu tiên cải cách giá điện. "Hoàn toàn có thể bán điện cho người dân với những giờ khác nhau. Giá xăng dầu có lúc tăng, lúc giảm và giá điện cũng cần như vậy" - TS Sơn đề nghị.
Theo PGS-TS Trần Văn Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội, giá điện là "gót chân Asin" của ngành điện. Với các sản phẩm khác, khi khách hàng mua càng nhiều thì giá càng giảm, còn với biểu giá điện bậc thang thì sử dụng càng nhiều thì giá bán càng cao. Trong khi đó, biểu giá bán điện của Việt Nam chưa tính đến thành phần công suất đối với tất cả thành phần phụ tải. Vì vậy, giải pháp căn cơ cho vấn đề giá điện là triển khai xây dựng biểu giá điện 2 thành phần. Khi đó, hóa đơn tiền điện hằng tháng của các hộ gia đình gồm: Giá tính theo công suất đăng ký và giá tiền điện tiêu thụ hằng tháng. Khi đó, đơn giá tiền điện hoàn toàn có thể áp dụng phương thức dùng càng nhiều càng rẻ.
GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng nên có đánh giá, giải thích rõ ràng về các yếu tố cấu thành giá điện, như phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ và phân phối để người dân hiểu. "Muốn đẩy nhanh phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cần có nhiều đơn vị tham gia thị trường thay vì mỗi mình EVN độc quyền" - GS Long nêu quan điểm.
Cơ chế đặc thù phát triển nguồn điện khẩn cấp
Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất bổ sung cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ. Cụ thể, đối với các dự án chậm tiến độ quá 6 tháng mà không được điều chỉnh theo quy định pháp luật, nhà đầu tư sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu dự án tiếp tục chậm quá 12 tháng, cơ quan nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động dự án và tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư mới.
Quy định này không chỉ giúp xử lý tình trạng chậm tiến độ mà còn mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư khác tham gia phát triển các dự án nguồn điện. Ngoài ra, Luật Điện lực cũng đề xuất các cơ chế đặc thù cho việc xử lý các nguồn điện được xem là khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải quốc gia. Thủ tướng Chính phủ có thể chỉ định các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ để thực hiện các dự án điện này nếu không thể tìm được nhà đầu tư thay thế thông qua đấu thầu.
TS Thái Doãn Hoàng Cầu:
Giảm tiền điện, không giảm giá điện
Tôi có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện ở Úc. Thực tiễn cho thấy chỉ nên giảm tiền điện, hỗ trợ tiền mặt chứ không nên giảm giá điện vì sẽ dẫn đến không đạt hiệu quả kinh tế và có tính bù chéo.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về tính kịp thời trong xây dựng và điều chỉnh giá điện. Cùng với việc tính đúng, tính đủ với lợi nhuận hợp lý trong giá điện, tính kịp thời giúp hạn chế tác động không tốt trong kinh doanh cho các đơn vị điện lực, đồng thời bảo đảm cung cấp tín hiệu kinh tế kịp thời nhằm đạt hiệu quả kinh tế cho cả sản xuất và tiêu thụ điện. Quy định này cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện.
Luật Điện lực sửa đổi cần có quy định về cạnh tranh lành mạnh hoặc tham chiếu đến Luật Cạnh tranh vì thị trường điện thường là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, dễ xảy ra hành vi lạm dụng quyền lực thị trường.
TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - Bộ Công Thương:
Dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít
Nếu vẫn duy trì tính giá điện theo nhiều bậc chắc chắn vẫn phải bù chéo, không công bằng và minh bạch. Do đó, nên áp dụng cơ chế một giá, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít; tránh việc dùng càng nhiều điện thì giá càng cao.
Tôi đồng ý tăng giá điện vì nguyên liệu đầu vào tăng khiến giá sản xuất tăng song giá truyền tải và phân phối, dịch vụ cũng tăng theo. Như vậy, người dùng phải trả thêm cả chi phí tăng lương, nhân công cho ngành điện. Khi giá điện theo cơ chế thị trường, đầu vào tăng thì đầu ra phải tăng nhưng tăng phải đúng, minh bạch.
Bộ Công Thương muốn thông qua Luật Điện lực sửa đổi trong một kỳ họp nhưng việc cải cách giá điện là vấn đề hệ trọng, cần có phương án rõ ràng, tránh tình trạng luật đã sửa và ban hành mà người dân vẫn thắc mắc sau mỗi lần điều chỉnh giá.
Bình luận (0)